***

Chiều ngày 17/10/2009

14h15 – xe bắt đầu xuất phát.

14h10 – tất cả lục tục kéo nhau lên xe. Biệt đội VBC đúng là chuyên nghiệp với những ống nhòm tele, máy ảnh chuyên nghiệp với ống kính và tri-pod dài phải đến … cả mét khiến cho sister đại nhân và Minh Minh ka ka nhà mình lăn quay ra ngất vì ghen tị và quên thở. Làm mấy anh mấy chị phải vất vả lắm mới bê  được vào ghế. Sau khi định thần trở lại, dáo dác nhìn quanh thì cả nhóm mà nhất là MinhMinh ka ka cảm thấy rất hài lòng vì các thành viên của VBC đều sáng sủa mặt mày, trẻ trung, xinh đẹp và khỏe mạnh cả. Ấy là rất năng động và vui nhộn. Thay mặt cả đoàn Hùng trưởng lão cất tiếng tuyên bố bắt đầu công cuộc săn chim và thông báo về sự xuất hiện và bám càng của 5 thành viên DLTLDCH làm cho các thành viên của VBC ai cũng phải háo hức quay lại ngắm yêu bọn mình một cái, miệng cười toe toét và chắc mẩm rằng thế là VBC lần này câu được cá nhỡ, đỡ được tiền xe tiền tàu cho anh em. Để cho thêm phần long trọng có chị đã mau mắn làm bài phát biểu về VBC, về cái xe rất mới và rất đẹp của bác tài tên Tiến mà cả hội đang chui vào, về sự vui tính và kỳ diệu của Hùng trưởng lão, v.v. và v.v. Đến đoạn từ hàng trên quay xuống (vì DLTLDCH xin đi nhờ nên được xếp chỗ bổ sung ngồi ở hàng ghế cuối), một anh tóc vàng buộc lại thành túm (ngắn hơn tóc mình một tí) cười nhăn nhở học thuộc lòng tên năm đứa, nhưng vì tên mọi người cứ giống giống nhau nên anh đành bỏ cuộc sau một phút nỗ lực và cố gắng. Hỏi ra mới biết anh tên là Oen (theo phiên âm tiếng Việt), đến từ New Zealand, nghe đồn là đồng nghiệp với các chị giáo viên của trường Quốc tế Unis ngồi bên trên; đã đăng ký làm thành viên của VBC 6 tháng nay nhưng đơn chưa được chấp nhận – nói chung đây cũng là nhân vật để lại trong lòng các thành viên của Hội  nhiều ấn tượng chẳng khác gì so với Hùng trưởng lão.

DSC_0232anh Oen của chúng ta

Xe bắt đầu lăn bánh, Hùng trưởng lão cũng bắt đầu giơ ống nhòm lên quan sát xung quanh, hai bên đường là những cái đầm đầy nước nơi người dân nuôi tôm. Không một cá thể chim nào lọt qua được đôi mắt cú vọ của trưởng lão. Cứ thỉnh thoảng trưởng lão lại lên tiếng hướng dẫn mọi người nhìn sang bên trái/phải, hiện đang có 1/2/n cá thể chim gì đấy đang bay. Nói chung là bây giờ mình mới biết là vì sao mình học dốt, vì vừa nghe trưởng lão giới thiệu chim gì xong là quên béng luôn. Đang đi trên đường thì cả xe nhìn thấy một cái đầm toàn là cò trắng, trưởng lão đồng ý cho người và xe dừng lại để chụp hình. Ngay khi cả đoàn vừa bước xuống, gặp ngay một đàn chim bay qua trên bầu trời xanh, đôi cánh của chúng được ánh mặt trời phản chiếu cứ lấp la lấp lánh. Tuyệt đẹp! Ngỡ ngàng và thán phục trước vẻ đẹp của lũ chim cò, cả đoàn say mê ngẩng cổ lên ngắm nhìn, ai có mắt dùng mắt, ai có ống nhòm dùng ống nhòm, ai có máy ảnh xịn thì lôi ra chụp lia chụp lịa.

DSC_0218

Hành trình dự kiến của đoàn là đi xe khoảng 4 -5 km ra đến Cồn Lu thì sẽ xuống thuyền để tiếp cận gần hơn với bọn chim cò và ngắm nghía chúng. Tuy nhiên, do trời không thương, đoàn người đi vào đúng đợt không có thủy triều nên nước cạn, không thể đi thuyền được. Hai mấy nhân mạng đành ngâm ngùi chịu trận đứng xem chim trên bờ, thất tha thất thểu đi dọc con mương để ngắm nghía đàn chim trắng ban nãy đang thung thăng kiếm mồi. Ở đây, với biệt tài của leader tìm chim và ống nhòm tele, trưởng lão đã cho mọi người được dịp mở mắt với nào là cò các loại trong đó có con cò bợ với chiếc cổ có sọc nâu trông thật lạ mắt, nào là choắt, nào là diệc hay thanh bạch và le hôi… mà nếu chỉ có 5 người, chắc các cà rốt thể nào cũng đinh ninh là VQG Xuân Thủy có mỗi một loài duy nhất là loài cò. Đúng là vừa xem chim vừa thầm cảm ơn trời phật run rủi, phù hộ độ trì cho người ăn hiền ở lành, tạo nhiều công đức như bọn mình có được cơ hội gặp được VBC và trưởng lão – chuyên gia chim cò của nước Đại Việt ta.

DSC_0247

Sau khi đứng chán chê ở bờ đê, cả nhóm quyết định tiếp tục đi đến chòi quan sát ở Cồn Lu mà theo lời giới thiệu của trưởng lão là sẽ có rất nhiều thứ đáng để xem. Lên xe chưa được vài phút, trưởng lão lại kêu gọi bà con hướng mắt sang bên trái, ở đó có hai cá thể diệc xám đang bay lên khỏi mặt nước, chúng chao cánh liệng thật điệu nghệ và đẹp mắt theo một vòng cung trước khi đáp xuống một cách nhẹ nhàng. Chưa kịp hết ngạc nhiên và háo hức, dân tình xôn xao bàn tán thì trưởng lão đã hô bác tài dừng lại, vì theo trưởng lão báo cáo có một cá thể chim ăn thịt đang ở cách đó chừng mấy km mà trưởng lão nhắm thấy qua cái ống nhòm. Dù biết là ống nhòm là đồ xịn, nhưng trai gái, già trẻ lớn bé trong đoàn vẫn cứ chu hết cả mỏ lên mà thán phục và ghen tị với đôi mắt tinh anh của trưởng lão. Trên bờ đê, nhìn qua ống nhòm tele, cá thể chim ăn thịt hiện lên thật đẹp và dũng mãnh, đôi mắt sắc của loài chim săn mồi không lẫn vào đâu được, nó đứng yên nhưng không có chuyển động nào có thể qua được mắt nó, nghe nói con chim ấy có sải cánh rộng đến hơn hai mét. Sau khi con chim ăn thịt bay đi mất vì khó chịu khi có mấy con khỉ vô duyên cứ chĩa ống nhòm vào cái mẹt mình, cả đoàn lại lục tục kéo nhau lên xe đi tiếp. Đến chỗ ở của trạm kiểm lâm, quên mất chưa báo cáo lại là trong đoàn người hôm ấy có trung đoàn trưởng tên Trung, bị gãy chân nên đi hơi khập khiễng, làm kiểm lâm tại VQG Xuân Thủy. Anh Trung cũng rất hiểu thông biết rộng về chim cò và có lòng nhiệt tình của một tour guide chính hiệu.

Cả đoàn xuống xe, đứng dàn hàng ngang trước tấm bản đồ VQG để nghe giải thích về lộ trình tiếp theo. Đang chăm chú lắng nghe trưởng lão bàn chiện đại sự thì từ phía sau bỗng vang lên tiếng giày giẫm thùm thụp xuống đất, tò mò quay lại thì thấy anh Oen của bọn mình đang di di cái giày to uỳnh của anh trên cát vì vừa giẫm phải … bò shit hay còn gọi là phân bò theo tiếng dân gian.

457623166_b279e16a9b

Anh tỏ ra rất phấn khích và thấy mình may mắn vì nghe đâu shit bò cũng là một loại sản vật quý, ở những vùng thiếu củi là bà con còn thu gom về, đem phơi khô để dùng thay củi, vì nếu nấu cơm bằng loại ‘củi’ này thì cơm ăn rất ngon…. Tuy nhiên, trước sự hướng dẫn và quan tâm của mọi người, anh Oen cũng dần dần bình tĩnh và hoàn toàn trở lại bình thường. Thế rồi sau khi đội hình đi vào trật tự, cả đoàn liền quay trái và tiếp tục đi bộ. Sau khoảng 800m là đến chòi quan sát chim cao khoảng 3 tầng lầu được xây bằng bê tông khá đẹp.

DSC_0251Đường đi ra chòi quan sát

Lên đến nơi, nhìn ra phía trước là vùng đệm xanh ngút ngát tầm mắt, phía xa hơn nữa là biển và ngọn hải đăng. Thiên nhiên bao la bao bọc quanh ta, cảnh vật ở xa mà tưởng như thật gần. Nhìn ngay xuống dưới là một cái mương nhỏ, ngay giữa mương là một chiếc thuyền gỗ mục nát bị bỏ hoang, nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy một con chim bói cá nhỏ đang đậu trên đấy với bộ lông màu xanh đẹp tuyệt vời làm dân tình phải hít hà xuýt xoa mãi. Trước giờ mình cứ nghĩ bói cá là loài chim rất lớn và … rất xấu nhưng hóa ra lại không phải, hôm nay được học hỏi bao nhiêu điều và được mở tầm mắt ra nhiều, thật là may mắn!

DSC_0261

Ngọn hải đăng ở phía trước

752553853_afa94000c0Chim bói cá

Quay đầu lại phía sau thấy khung cảnh cũng thật đẹp. Mặt trời lúc xế chiều mang một màu vàng đỏ không gắt nên có thể nhìn trực tiếp bằng mắt, ánh nắng hắt xuống mặt nước thành những vệt dài trông thật yên bình. Quanh đây không có tiếng xe cộ mà chỉ có tiếng đoàn xem chim cười nói lao xao hòa lẫn với tiếng chim kêu vẳng lại. Đang ngồi cà kê chụp ảnh thì trưởng lão lên tiếng thông báo có cá thể sả đầu nâu rất đẹp đang nằm trong tầm ngắm của ống nhòm tele. Bà con lần lượt xếp hàng một ghé mắt vào ống nhòm, tấm tắc trước vẻ đẹp của con chim nhỏ có bộ lông đẹp và sặc sỡ. Các chị là những người thích thú nhất vì nói chung giới nữ thường thích những thứ dễ thương và nhiều màu sắc như vậy. Ngay sau khi chán chê với chú sả đầu nâu kia, trưởng lão lại chỉnh ống nhòm một chút và bà con lại được chiêm ngưỡng chú sả đầu đen đậu ngay cành cây gần đó. Con chim này đẹp cũng không thua kém gì con trước, làm cho ai nấy cũng phải ngất ngây và sung sướng.

DSC_0274Ngắm mặt trời ở phía sau

Mải mê ngắm chim cũng không phải là không mất sức, mặt trời cũng đang dần dần ngả bóng làm ý thức ăn uống của bà con lại đột ngột trở về. Khi đói thì người ta mới nhớ đến những người cần nhớ, thế là có ý kiến thắc mắc: “Ơ, không thấy trung đoàn trưởng Trung đâu nhỉ?” Thế là trưởng lão liền quay ống nhòm tele về phía nhà bác Trung thông báo, “Ôi giời, báo cáo cả nhà, tôi nhìn thấy một thằng cha đang chổng mông vào bờ rào, mồm đang nhóp nhép. Không biết có phải là ông Trung không?” Nghe thế, dân tình tá hỏa, vội vội vàng vàng giục giã nhau rút quân. Trước khi quay về, cả đoàn còn kịp nhìn lên và được chiêm ngưỡng cảnh tượng một đàn én đông đảo bay rợp cả bầu trời.

DSC_0292

DSC_0254Hoàng hôn trên VQG Xuân Thủy

Đi bộ ngược trên triền đê, có thể nghe thấy được tiếng bìm bịp kêu phía xa mà cứ như là tiếng người kêu vậy. Vừa kỳ lạ, vừa rờn rợn. Sau khoảng 5 – 10 phút, cả đoàn đã về được chỗ bác Trung. Thì ra nãy giờ bác đang chổng mông rửa và luộc ngao cho anh em ăn bồi dưỡng. Khuôn trang của đơn vị kiểm lâm khá rộng rãi và thoáng mát, không biết ngày thường thế nào nhưng hôm nay ngoài bác Trung ra còn có mỗi một đồng chí khác. Mà nghe các đồng chí kể thì ở đây không có điện, các đồng chí phải dùng máy nổ và phải tiết kiệm xăng dầu ở mức tối đa, vì thế mà anh em thường ngủ chung một phòng để tiết kiệm ánh sáng. Ngao dọn ra thành 3 mâm, tuy các thành viên của DLTLDCH không nằm trong tiêu chuẩn được ăn ngao, nhưng với tấm lòng nhân hậu và thân thiện thuần Việt, bà con nhiệt tình mời cả bọn vào góp vui. Cơ mà nhân dân đã mời thì mình cũng không thể từ chối, nên mới có đoạn 5 đứa bon chen ngồi xếp bằng ăn ngao ngon lành. Theo lời quảng cáo của kiểm lâm Trung thì đây là ngao tự nhiên, không phải là loại nuôi. Mà đúng là ăn ngon thật, ngọt và rất thơm. Chả thế mà mười cân ngao cả vỏ cả thịt sau một lúc chỉ còn lại mỗi vỏ. Trong lúc ăn thì trời cũng dần tối, lợi dụng trời tối, bọn muỗi tranh thủ kiếm tí máu, thế là lại được nghe các bác kể chiện chống muỗi. Bác Tiến lái xe truyền bá kinh nghiệm chống muỗi bằng cách lấy rượu bôi vào người với lý thuyết “người còn say nữa là chúng nó”. Nghe thấy thế mấy chị cũng vội vàng thử, chưa biết hiệu quả thế nào, nhưng đã thấy mùi rượu nồng nàn trong không khí. Trong khi bà con lao động cần mẫn thì cũng có những người tỏ thái độ hững hờ với chuyện ăn, ấy là anh Oen; còn Minh Minh ka ka thì chạy ra một chỗ ngồi tâm sự rất chi là nhiệt thành với một thư sinh tên Mạnh. Bác Mạnh này là người đằng trong, trông hiền lành, thư sinh và rất nghệ sĩ, nói chúng là ngoài anh Oen ra thì ka ka của chúng ta hôm nay được rất nhiều ‘sư phụ’ truyền dạy cho bí kíp chụp hình. Quả này về, chắc trình của huynh cũng phải lên được đến mấy phần.

***

Giải quyết xong đống ngao thì cũng đã tối trời. Sau khi rửa tay rửa mồm, cả đoàn chào từ biệt bác Hồng kiểm lâm rồi lên xe trở về nhà nghỉ với niềm háo hức khó tả về những gì thu hoạch được vào ngày hôm nay và bữa tối sắp tới. Chưa vào bữa nhưng ngồi trên xe đã nghe thấy trưởng lão dọa hội VBC là nếu đứa nào không báo cáo đầy đủ các loại chim nhìn thấy chiều nay thì không cho ăn tối. Nghe thấy thế 5 thanh niên trẻ và đẹp của DLTLDCH cảm thấy mừng thầm trong bụng vì hai bên không giao lưu ăn tối cùng nhau. Hội thì vào ăn cơm trong nhà nghỉ của BQL còn các thành viên của VBC lại ăn cơm ở cửa hàng bên cạnh mà buổi trưa Hội đã vào ăn. Không biết VBC bữa tối ăn gì chứ bữa tối của Hội thì đúng là hoành tá tràng. Nào là 3 con cua biển to đùng, một con cá mú nặng đến cả cân rồi là thịt kho và canh cua và bia Hà Nội mát lạnh thật đã khát.

DSC_0300Cua biển

DSC_0299Cá mú hấp

Đáng lẽ cả Hội được ăn thử một bữa canh don nhưng do không mua được don nên đành chấp nhận ăn canh cua đồng nấu mồng tơi. Ăn uống no say đâu vào đấy, cả Hội gọi tính xiền (khoảng 500k) rồi trở về phòng. Phần vì no, phần vì xung quanh toàn chim cò rừng rú mà chả còn trò giải trí lành mạnh nào nhưng cơ bản nhất là mệt mỏi vì đi đường và không được ngủ trưa nên cả hội quyết định không đi đâu chơi hết mà đồng loạt lên giường đắp chiếu, à quên, đắp chăn. Đặt đồng hồ hẹn giờ là 5h sáng hôm sau để còn ra xem bình minh, ngắm mặt trời mọc. Ngày thứ nhất tại VQG Xuân Thủy đã kết thúc như thế với kết quả nhìn chung là mỹ mãn!