Nếu bạn sống ở một thành phố hoặc thị trấn có quy mô vừa phải, một chuyến đi xuống đường phố chính bất kỳ sẽ nhanh chóng trở thành chuyến đi tội lỗi. Khi ấy, bạn đi ngang qua những người vô gia cư đang xin tiền hoặc bán báo trên phố, những người cơ cực ngủ ngoài đường, và tệ hơn cả, là những ‘người quyên tiền’ với tấm bảng trong tay, nở nụ cười thân thiện và hỏi rằng liệu bạn có thời gian để trò chuyện một chút hay không, trong khi tất cả những gì bạn muốn là họ hãy biến đi. Cứ bật TV lên hay mở ra trang báo và bạn sẽ thấy câu chuyện về những con người cần được giúp đỡ và những lời kêu gọi từ thiện. Bạn cần phải là một người có sẵn lòng vị tha vô bờ bến hoặc vô cùng ích kỷ thì mới không cảm thấy tồi tệ trước những lời nhắc nhở thường xuyên về việc đáng lý ra bạn còn có thể làm được nhiều hơn nữa để giúp đỡ người khác.

Khi trải qua sự bất nhất như vậy, ta có khuynh hướng dựa vào sự rèn luyện tinh thần để khiến bản thân cảm thấy khá hơn. Trong trường hợp này, một cách để xoa dịu cảm giác tội lỗi trong ta là thuyết phục bản thân rằng không một ai thực sự là người vị tha và mọi việc từ thiện về thực chất chính là tư lợi trá hình. Những người-làm-việc-tốt chỉ đơn giản là đang đảm bảo mọi người, bao gồm cả chính họ, đều nghĩ rằng họ thật tuyệt vời.

Lòng vị tha biểu kiến chắc chắn có thể chứa đựng những động cơ ích kỷ, ở đó hầu như chẳng có gì đáng để ngưỡng mộ. Seneca viết, ‘Khi người ta túc trực bên giường bệnh của một người bạn, ta ngợi khen hành động của họ. Nhưng khi người ta làm thế chỉ hòng đạt được di sản, họ giống như con chim kền kền trực chờ bên xác chết.’

Nhưng chỉ bởi vì ta thường đạt được lợi ích cá nhân từ những hành động vị tha, điều đó không có nghĩa là ta luôn luôn và chỉ hành động vì lợi ích của bản thân. Mới thật kỳ quặc làm sao khi ta chỉ khen ngợi người làm điều tốt nếu họ không thích làm điều đó.

Thực ra, hiếm có ai lại hoàn toàn vị kỷ. Chỉ rất ít người mới cần được thuyết phục rằng chúng ta nên nghĩ đến người khác, như cách ta vẫn thường dạy dỗ con cái mình. Nhưng khi áp dụng vào thực tế, huấn thị này đã bỏ qua vấn đề nan giải nhất: ta nên nghĩ đến người khác ở mức nào? Có phải chỉ cần không hại người là đủ, hay ta nên tích cực vị tha và hành động vì lợi ích tốt nhất của người khác?

Có những triết gia đã bật đèn xanh cho chúng ta bằng cách gợi ý rằng tất cả những gì ta cần làm là theo đuổi lợi ích cá nhân, bởi vì đó cũng là lợi ích tốt nhất cho những người còn lại. Triết gia người Anh thuộc thế kỷ 18 Bernard Mandeville[1] là một trong những người đầu tiên đề cập đến điều này trong tác phẩm The Fable of the Bees. Mandeville ví xã hội như là một tổ ong, tại đó mỗi con ong phục vụ lợi ích toàn thể chỉ đơn giản bằng cách làm điều mà nó được sinh ra để làm. Một con ong thì không nghĩ đến những con ong khác, nhưng hành động của nó dù sao cũng hữu ích cho những con ong khác. Con người, ông lập luận, cũng vậy: cách tốt nhất để mỗi người quan tâm đến mọi người là quan tâm tới chính mình.

Adam Smith, nhân vật gần như cùng thời với Mandeville, được cho là đã gợi ý một điều tương tự khi ông nhắc đến ‘bàn tay vô hình[2]’ của thị trường.  Ông viết, ‘Không phải bởi lòng nhân từ của người bán thịt, người nấu bia, hay người làm bánh mì mà chúng ta có được bữa tối của mình, mà đó là vì họ quan tâm tới lợi ích của chính họ.’ Tuy nhiên, lập luận chống lại sự kiểm soát quá mức của nhà nước này chưa bao giờ ngụ ý rằng tất cả những gì chúng ta cần làm là chỉ chăm chăm lo cho bản thân.

Thực ra, Smith là một người tin vào ‘sự đồng cảm về mặt đạo đức,’ một phản ứng cơ bản của con người trước nỗi khổ của người khác khiến cho chúng ta làm một điều gì đó giúp giảm nhẹ nỗi đau của họ. Sự lạc quan của Mandeville về việc lợi ích cá nhân và lợi ích của mọi người luôn hài hòa với nhau là quá mức lạc quan đối với Smith, cũng như với hầu hết các nhà tư tưởng khác.

Đối lập với quan điểm của Mandeville là những người theo thuyết công lợi[3], những người cho rằng chúng ta cần phải cân nhắc tới lợi ích của mọi người một cách công bằng và không bao giờ được đặt lợi ích của ta, hay của gia đình ta, lên trên hết. Nếu như bạn chi một ngàn bảng Anh mỗi năm cho những thú vui phù phiếm mà chỉ mang lại rất ít (hoặc không mang lại gì) cho hạnh phúc toàn diện của bạn, trong khi số tiền ấy có thể làm thay đổi cuộc đời của những người thực sự cần tới nó, vậy thì bạn đã không làm tròn trách nhiệm đạo đức của mình.

Peter Singer[4] hiện là người ủng hộ nổi tiếng nhất của quan điểm này. Ông lập luận rằng nghĩa vụ của chúng ta là phải cho đi những thứ không cần thiết cho một cuộc sống vừa vặn thoải mái. Một nguyên tắc rõ ràng không thể tranh cãi đã được áp dụng ở đây: ‘nếu ta có khả năng ngăn chặn một điều xấu xảy ra, mà không cần phải hy sinh bất cứ điều gì có tầm quan trọng tương đương về mặt đạo đức, vậy thì chúng ta, về mặt đạo đức, cần phải làm điều đó.’

Đây là một triết lý rất cao siêu. Chỉ rất ít người, nếu có, mới có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe này, kể cả cả những người nguyện theo thuyết công lợi. Nhưng với nhiều người mà nói, đây là một tiêu chuẩn để hướng đến. Cách duy nhất để thoát khỏi logic của nó, ngoài việc bỏ qua nó, là phủ nhận rằng: con người bình đẳng về mặt lợi ích, hoặc đạo đức đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc đến lợi ích của mọi người một cách khách quan. Có vẻ như ta chẳng thể đưa ra lời lý giải cho lựa chọn đầu tiên. Vậy thì, ta có thể biện minh cho ý thứ hai như thế nào đây?

Bernard Williams[5] quá cố đã thực hiện điều này bằng thứ mà ông gọi là ‘sự riêng biệt của các cá nhân[6].’ Williams lập luận rằng chúng ta không thể đối xử với đồng loại của mình như thể họ là những người mang tới lợi ích có thể hoán đổi cho nhau. Một cuộc sống tốt đẹp đòi hỏi những mối quan hệ đặc biệt với một số người nhất định, do đó nghĩa vụ và trách nhiệm của chúng ta sẽ phụ thuộc vào từng mối quan hệ. Dĩ nhiên là trong mắt Thượng đế, cuộc sống của em trai bạn và một người xa lạ sống cách đây hàng nghìn dặm là như nhau. Nhưng chúng ta nào phải Chúa trời đang quan sát vạn vật dưới hạ giới. Chúng ta chỉ là những con người chiếm giữ những phần cụ thể trong đó mà thôi.  

‘Đạo đức vai trò[7]’ của Khổng Tử cũng thừa nhận điều này. Trong hệ thống của ông, bổn phận đạo đức phụ thuộc vào vai trò xã hội của bạn: những nghĩa vụ cụ thể của một người làm cha đối với con cái rất khác so với của một người cai trị đối với thần dân hay của một người thày đối với học trò. Do đó, phiên bản Quy tắc Vàng của ông chỉ nói rằng chúng ta không nên áp đặt lên người khác những gì mà bản thân chúng ta không mong muốn. Đây là nguyên tắc không can thiệp vào cuộc sống của người khác, chứ không bắt buộc chúng ta phải giúp đỡ người lạ nhiều như ta giúp đỡ bản thân hay gia đình mình.  

Trái ngược với Quy tắc Vàng của Nho giáo là phiên bản mạnh mẽ hơn của Chúa Jesus, Người nói rằng, ‘Bất cứ điều gì các con muốn người ta làm cho mình, hãy làm điều đó cho họ.’ Cũng giống như những người theo thuyết công lợi sau này, Jesus ủng hộ sự công bằng triệt để, đó là lý do vì sao Ngài lại bảo với các môn đồ của mình rằng nếu muốn theo Ngài, họ cần phải sẵn lòng từ bỏ gia đình mình.

Nếu ta phủ nhận yêu cầu về sự công bằng tuyệt đối, ta vẫn có những lý do khác để cố gắng trở nên vị tha hơn. Ta không cần phải trách móc bản thân vì chưa hoàn toàn là những vị thánh quên mình. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta không nên tìm kiếm thiện chí để cố gắng giúp đỡ người khác nhiều hơn một chút, điều được thúc đẩy không bởi điều gì ngoài lòng cảm thông của con người. 

Đọc thêm:

Bernard Mandeville, The Fable of the Bees (1714)

J.J.C. Smart and Bernard Williams, Utilitarianism: For and Against (Cambridge University Press, 1973)

Adam Smith, The Theory of Moral Sentiments (1759)


[1] Bernard Mandeville, hay Bernard de Mandeville (15/11/1670 – 21/1/1733), là một triết gia, nhà kinh tế chính trị, nhà châm biếm, nhà văn và bác sĩ người Anh gốc Hà Lan. Sinh ra ở Rotterdam, ông sống phần lớn cuộc đời ở Anh và sử dụng tiếng Anh trong hầu hết các tác phẩm đã xuất bản của mình. Ông trở nên nổi tiếng nhờ tác phẩm The Fable of the Bees (tạm dịch: Truyện ngụ ngôn về loài ong). Đọc thêm về Truyện ngụ ngôn về bầy ong.

[2] Bàn tay vô hình (invisible hand) được nhà kinh tế học Adam Smith đưa ra vào năm 1776. Trong tác phẩm Bàn về tài sản quốc gia (Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations) và những bài viết khác, Smith đã tuyên bố rằng, trong nền kinh tế thị trường tự do, mỗi cá nhân theo đuổi một mối quan tâm và xu hướng lợi ích riêng cho cá nhân mình, và chính các hành động của những cá nhân này lại có xu hướng thúc đẩy nhiều hơn và củng cố lợi ích cho toàn cộng đồng thông qua một “bàn tay vô hình”. Ông cho rằng chính quyền mỗi quốc gia không cần can thiệp vào cá nhân và doanh nghiệp, cứ để nó tự do hoạt động kinh doanh; ông kết luận: “Sự giàu có của mỗi quốc gia đạt được không phải do những quy định chặt chẽ của nhà nước, mà bởi tự do kinh doanh.”

[3] Chủ nghĩa vị lợi, hay chủ nghĩa công lợi còn gọi là thuyết duy lợi hay thuyết công lợi (tiếng Anh: Utilitarianism) là một triết lý đạo đức, một trường phái triết học xã hội và cũng đóng vai trò quan trọng trong ngành khoa học kinh tế. Chủ nghĩa này cho rằng hành động tốt nhất là hành động đạt được một cách cao nhất những gì được cho là hữu ích, lợi ích chung cho tất cả những người có liên quan. “Lợi ích” được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, thường là theo thuật ngữ “hạnh phúc của các sinh vật sống”, như là con người hay các động vật khác. Jeremy Bentham, người đặt nền móng cho chủ nghĩa vị lợi, mô tả “lợi ích” như tất cả những gì làm hài lòng chúng ta xuất phát từ hành động, không gây ra đau đớn cho bất kì ai liên quan.

Chủ nghĩa vị lợi là một hình thức khác của chủ nghĩa hệ quả hay hệ quả luận (consequentialism), thuyết này tuyên bố rằng kết quả của bất kì hành động nào là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá sự đúng và sai của hành động đó. Không giống như các hình thức khác của thuyết hệ quả, như là chủ nghĩa vị kỉ (egoism), chủ nghĩa vị lợi cho rằng lợi ích của tất cả mọi người là công bằng. Wikipedia

[4] Peter Singer (sinh ngày 6 tháng 7 năm 1946) là Giáo sư Luân lý học sinh vật (Bioethics) tại Đại học Princeton và là Giáo sư Danh dự tại Đại học Melbourne.

[5] Sir Bernard Arthur Owen Williams, (21/9/1929 – 10/6/2003) là một triết gia luân lý học người Anh.  Williams được biết đến với những nỗ lực định hướng lại việc nghiên cứu triết học đạo đức tới tâm lý học, lịch sử và đặc biệt là lịch sử Hy Lạp. Các tác phẩm của ông bao gồm Problems of the Self (1973), Ethics and the Limits of Philosophy (1985), Shame and Necessity (1993), và Truth and Truthfulness (2002). Ông được phong tước hiệp sĩ vào năm 1999.

[6] Sự riêng biệt của các cá nhân (separateness of persons) là một khái niệm trong triết lý đạo đức nhấn mạnh đến sự khác biệt và giá trị vốn có của mỗi cá nhân. Nó gồm những điểm chính như tầm quan trọng của cá nhân, tôn trọng quyền tự chủ, và cân nhắc về sự công bằng. Khái niệm này thường được sử dụng để phê phán các học thuyết đạo đức như là chủ nghĩa Công lợi, vốn tập trung vào việc tối đa hóa lợi ích của toàn thể (tại đó một số người được hưởng lợi trong khi những người khác phải chịu tổn hại đáng kể).

[7] Đạo đức vai trò (role ethics) là một quan điểm đạo đức cho rằng hành động đúng hay sai được quyết định bởi vai trò của người thực hiện hành động. Theo quan điểm này, không có hành động nào vốn dĩ đúng hay sai, mà đúng sai phụ thuộc vào vai trò của người thực hiện hành động và những gì được mong đợi ở vai trò đó.