jocelynlilangrand_B042ahKnxLG

 

 

CHƯƠNG 15: BỘ CÔNG CỤ THAY ĐỔI DÀNH CHO NGƯỜI YÊU PHẢI ĐÀN ÔNG TỒI (tiếp)

 

 

Đừng Nói Nữa Mà Hãy Bắt Đầu Giao Tiếp

Bạn biết rằng giao tiếp tốt là chìa khóa để giữ cho mối quan hệ được bền chặt. Tuy nhiên điều này thật khó thực hiện. Có thể bạn băn khoăn rằng tại sao đàn ông lại gặp nhiều vấn đề với việc này đến vậy. Và mong muốn giao tiếp không phải lúc nào cũng có thể giúp bạn bày tỏ quan điểm của mình mà không khiến đàn ông tỏ thái độ. Tại sao lại như vậy?

 

Rất nhiều đàn ông phát triển một thói quen gọi là nghe có chọn lọc. Những tín hiệu nhất định đóng vai trò như nút giảm/tắt âm thanh đối với những gì họ nghe. Bạn hãy chịu ít nhất một phần trách nhiệm trước điều này. Các trải nghiệm tồi tệ đã luyện cho đàn ông không chú ý đến những yếu tố cụ thể, chẳng hạn như thái độ trong giọng nói của bạn. Nếu như bạn nói với anh ấy về điều đang khiến bạn phiền lòng với cái giọng gợi anh ấy nhớ lại tuổi thơ của mình, thì anh ấy sẽ không muốn nghe đâu. Mẹ chàng đã quở trách chàng đủ rồi, và chàng đã học được cách bỏ ngoài tai những gì bà nói nên chàng cũng sẽ làm như vậy với bạn. Chắc chắn là chàng không muốn nghe thấy cái giọng điệu ấy từ một người phụ nữ chung chăn gối với mình. Đàn ông bày tỏ quan điểm của họ và kết thúc sự việc ở đó. Còn chúng ta thì cứ nói và nói và bày tỏ quan điểm một cách vô nghĩa. Đàn ông biết khi nào thì ta sẽ tiếp cận họ theo cái cách khiến cho họ không được mấy dễ chịu. Thay vì chú ý, họ sẽ tránh né. Greg kể với cả lớp:

Tôi biết khi nào cô ấy sẽ có ý “anh đã làm sai và tôi sẽ dằn mặt anh về điều đó” trong giọng điệu của cô ấy, và những lúc ấy tôi chỉ muốn bỏ chạy. Thường thì đó là một việc rất vặt vãnh, nhưng cô ấy luôn đặt tôi vào cảm giác tội lỗi. Cô ấy làm những điều khiến tôi khó chịu … đấy là tôi chỉ đề cập đến điều khó chịu nhất. Nhưng cô ấy luôn làm lớn mọi chuyện lên. Nếu cô ấy chỉ làm như vậy với những chuyện nghiêm trọng, thì tôi sẽ lắng nghe nhiều hơn. Nhưng cô ấy sử dụng thái độ này với bất cứ điều gì, ngay cả khi đó là một lời than phiền nhỏ. Tôi cảm thấy như cô ấy đang dồn tôi vào góc tường với cái giọng điệu ấy, và đầu tôi bắt đầu vang lên giai điệu “la la la, mình sẽ không nghe.” Thực sự thì tôi có nghe, nhưng tôi sẽ không để cho cô ấy được hài lòng với một phản ứng.

 

Tôi nói với những người phụ nữ trong các lớp học của mình rằng nếu họ muốn nhanh chóng tắt hệ thống lắng nghe của một người đàn ông, thì hãy nói năm từ này: “Chúng ta cần nói chuyện.” Khi anh ta nghe thấy chúng, anh ta sẽ trông đợi một điều không mấy dễ chịu, vậy thì tại sao anh ta lại nên lắng nghe một cách khách quan đây? Sự phòng thủ của anh ấy sẽ dâng cao khi bạn nói với anh ấy rằng bạn cảm thấy ra sao, và anh ấy thì đang suy tính bước phản pháo tiếp theo của mình. Đàn ông thừa nhận rằng mọi chuyện thường diễn ra theo hướng này. Khi anh ấy bị nói rằng mình đã làm sai chuyện gì hoặc đáng lý ra có thể làm tốt hơn, cảm giác về bản thân của anh ấy bị tấn công. Khi bạn nói, hoặc anh ấy sẽ cố gắng bảo vệ bản thân bằng cách nghĩ về việc sẽ nói gì để biện hộ hoặc là không để ý đến những lời nói của bạn để không phải đối mặt với nó. Nếu anh ấy biết rằng mình thực sự đã sai, anh ấy sẽ càng cố gắng hơn để không đối mặt với nó. Cảm giác tội lỗi có thể bóp méo khả năng lắng nghe.

 

 

Mười Gợi Ý Của Tôi Về Việc Giao Tiếp Hiệu Quả

Việc phát triển các phương thức giao tiếp hiệu quả đòi hỏi rất nhiều công sức. Nhưng nó hoàn toàn xứng đáng với nỗ lực bỏ ra khi mà bạn có được sự phản ứng mà bạn mong muốn — rốt cuộc! Tôi đã tập hợp lại Mười Điều Răn Về Giao Tiếp Hiệu Quả của riêng tôi. Nếu bạn áp dụng chúng, việc giao tiếp của bạn sẽ đạt được kết quả tốt hơn.

  1. Tìm một thời điểm thư thái để nói chuyện. Hãy đợi cho tới khi cả hai bạn đều không ở trong tâm trạng xấu hay tức giận, nếu không một trong hai người sẽ nói ra điều mà các bạn sẽ thấy hối hận khi đã bình tâm lại. Đôi khi bạn sẽ phải chờ đợi một thời điểm thuận lợi để đề cập đến các vấn đề. Cơ hội tốt nhất dành cho sự lắng nghe khách quan là khi anh ấy có tâm trạng tốt.
  2. Quyết định xem điều gì là quan trọng nhất để nói ra. Hãy ngắn gọn. Dùng ít từ ngữ nhất có thể. Phụ nữ là những người nói giỏi, nhưng giao tiếp không chỉ đơn giản là việc quăng ngôn từ vào mặt người khác. Chúng ta có khuynh hướng nói quá nhiều, giải thích đi và giải thích lại — đây là một yếu tố phá hỏng sự giao tiếp — cho tới khi phản ứng mong đợi xuất hiện hoặc anh ấy trở nên thờ ơ. Quy tắc của tôi là bạn nói càng ít, lời của bạn sẽ được tiếp thu nhiều hơn. Đừng để cho mình bị mất tự chủ trước mọi điều nhỏ nhặt khiến bạn bực mình. Hãy cụ thể và lựa chọn cuộc chiến một cách thông minh. Bạn không thể có được mọi thứ theo ý mình. Thường thì khi có được sự chú ý của anh ấy, bạn sẽ cố đưa vào nhiều lời than vãn nhất có thể. Hãy cố gắng chỉ tập trung vào một dòng suy nghĩ thôi. Đàn ông không thể giải quyết quá nhiều việc trong cùng một lúc đâu.
  3. Hãy nói với giọng điệu và sự tôn trọng mà bạn muốn nhận được từ người khác. Hãy đặt mình vào vị trí của anh ấy và nghĩ về việc bạn muốn nhận thông điệp mà bạn sắp đưa ra như thế nào. Hãy lắng nghe bản thân trong lúc bạn nói. Hãy khách quan về việc bạn sẽ cảm thấy như thế nào khi phương thức giao tiếp này được áp dụng với chính bạn. Việc nhận thức rằng bạn diễn đạt suy nghĩ của mình như thế nào có thể khiến cho chúng được truyền đạt rõ ràng hơn. Chỉ cần chú ý nhiều hơn tới bản thân (đọc kỹ hơn ở phần sau của chương này) cũng có thể mang lại hiệu quả.

Khi tôi đã quen với việc lắng nghe giọng điệu của mình trong lúc giao tiếp, tôi không hề thích những gì mình nghe được. Giờ đây tôi thật sự buồn nôn nếu nghe thấy mình rơi vào các phương thức cũ. Các cô bé cứ hay than van và cự nự để được lắng nghe và thường được như ý mình, và vẫn giữ thói quen này cho tới khi trở thành người lớn. Các cậu bé đã sớm từ bỏ thói quen đó khi chúng được dạy rằng cần phải che đậy cảm xúc của mình. Thật khó cho chúng ta để thay đổi thói quen, nhưng bạn buộc phải làm vậy. Như vậy mới có thể giúp bạn trở thành người lớn.

  1. Hãy bắt đầu và kết thúc với một câu nói tích cực. Hãy nhớ rằng, đàn ông sẽ đề cao cảnh giác khi họ chờ đợi một điều tiêu cực. Vì thế hãy đánh lừa họ. Hãy bắt đầu bằng việc nói một điều dễ chịu trước, chẳng hạn như “Anh biết đấy, em thật may mắn khi có được anh” hay “Anh thật là tuyệt vời khi…” hay “Em luôn cảm thấy vô cùng dễ chịu và thoải mái mỗi khi nói chuyện với anh.” Hãy lựa chọn câu mở đầu phù hợp với anh ấy. Việc bắt đầu với một điều tích cực có thể hạ thấp sự kháng cự của anh ấy và khiến cho đôi tai của anh ấy dễ tiếp thu hơn. Rồi thì bạn có thể tiếp tục đi vào vấn đề. Hãy kết thúc bài nói chuyện bằng một cảm xúc tốt đẹp. Cảm ơn anh ấy vì đã là một người tình lý tưởng khi biết lắng nghe. Hãy để lại cho anh ấy những rung cảm tốt.
  2. Hãy giải thích. Đừng than vãn. Đây là phương châm số #1 của tôi để khiến cho một người đàn ông lắng nghe mình mà không tỏ thái độ. Đừng đay nghiến, quở trách, hạ nhục, buộc tội, chỉ trích hay chặn họng anh ấy. Giải thích có nghĩa là chỉ đề cập đến vấn đề của bạn mà không để cho cảm xúc xen vào. Trình bày vấn đề của bạn mà không hề đe dọa, buộc tội, hay đòi hỏi có thể sẽ khuyến khích anh ấy chú ý hơn. Hãy giải thích tại sao một tình huống lại làm phiền lòng bạn, mà không chứa đựng bất kỳ sự khó chịu nào trong giọng nói của bạn. Hãy lựa chọn từ ngữ một cách khéo léo.
  3. Sử dụng những từ ngữ tích cực thay vì những từ tiêu cực. Những từ nhẹ nhàng hơn có thể loại bỏ khả năng sát thương ra khỏi thông điệp. Ví dụ như, thay vì nói “Anh sai rồi,” bạn hãy nói rằng “Có thể có một cách hiệu quả hơn để…” Sự lựa chọn từ ngữ khéo léo có thể có nghĩa là sự khác biệt giữa việc anh ấy lắng nghe bạn với sự thông cảm và anh ấy lắng nghe bạn với thái độ thù địch.
  4. Yêu cầu sự nhạy cảm hơn trước những nhu cầu và cảm xúc của bạn. Đừng đòi hỏi anh ấy phải thay đổi — bởi vì anh ấy sẽ không làm vậy đâu. Công bằng nhất là hãy yêu cầu ở anh ấy sự nhận biết nhiều hơn và nhạy cảm hơn trước những nhu cầu của bạn. Ví dụ, nếu như anh ấy quên không gọi cho bạn khi anh ấy biết rằng mình sẽ về muộn, hãy giải thích ngắn gọn với anh ấy rằng bạn sẽ thấy lo lắng ra sao. Có lẽ anh ấy có thể sẽ nhạy cảm hơn với việc báo cho bạn vào lần tới. Hãy bảo với anh ấy rằng bạn không mong đợi sự hoàn hảo nhưng bạn chỉ thích một chút nhạy cảm trước những điều cụ thể khiến bạn không thấy thoải mái mà thôi.
  5. Chỉ nói một lần thôi. Đừng nghi ngờ trí thông minh của anh ấy. Anh ấy hiểu bạn ngay từ đầu, cho dù anh ấy làm như thể là không vậy. Thất vọng trước việc không nhận được phản ứng từ một người đàn ông sẽ khiến bạn nhắc lại điều mà anh ấy đã nghe thấy. Mặc dù im lặng, anh ấy có lẽ đã hiểu những gì bạn nói. Hãy kiên nhẫn. Đừng mong đợi một sự phản ứng tức thì. Thường thì bạn muốn sự hài lòng ngay lập tức và sẽ nhắc lại điều khiến bạn khó chịu hết lần này đến lần khác nếu như bạn không nhận được phản ứng khiến bạn hài lòng ngay sau khi trao đổi. Có thể anh ấy cần thời gian để thẩm thấu những điều bạn nói, nên hãy để cho anh ấy được yên sau khi đã nói những gì cần thiết. Mong chờ câu trả lời sẽ đặt anh ấy vào thế khó, khiến anh ấy trở nên phòng thủ.
  6. Hãy lắng nghe nhiều như bạn nói. Khi ta cố gắng trao đổi, ta thường quên mất việc phát triển các kỹ năng lắng nghe của mình. Giao tiếp là con đường hai chiều, là sự tương tác giữa hai người. Một người giao tiếp tốt cũng là một người biết lắng nghe. Điều đó có nghĩa là lắng nghe anh ấy nói, cũng như là truyền đạt thông điệp của bạn. Nếu bạn quá đắm chìm vào sứ mệnh truyền tải quan điểm của bản thân mà không khách quan lắng nghe anh ấy, thì bạn đâu có giao tiếp. Bạn đang tấn công anh ấy bằng lời nói đấy chứ.
  7. Hãy để anh ấy biết rằng bạn trân trọng nỗ lực giao tiếp của anh ấy. Bởi vì phụ nữ cho rằng chúng ta là người đặt ra quy định, chúng ta thường có những kỳ vọng về việc đàn ông nên giao tiếp như thế nào. Như tôi đã nói với bạn, họ không cởi mở như chúng ta. Nếu một người đàn ông thực hiện nỗ lực giao tiếp, dù nó có vẻ yếu ớt ra sao, hãy nói với anh ấy rằng bạn đã nhận thấy điều đó. Đàn ông thường kêu ca rằng ngay cả khi họ đã cố, phụ nữ cũng chẳng hài lòng. Bạn có thể muốn anh ấy chia sẻ theo cách của bạn, và có lẽ anh ấy chẳng bao giờ làm được điều đó. Nhưng nếu như anh ấy cố gắng, hãy cảm ơn anh ấy. Anh ấy có thể sẽ còn cố gắng hơn.

 

 

Nói Đi Đôi Với Làm

Đôi khi chỉ nói không thì không có tác dụng. Khi tôi hẹn hò với một gã tồi, tôi giải thích cảm nhận của mình với anh ta… và giải thích cảm nhận của mình với anh ta… và giải thích cảm nhận của mình với anh ta. Tôi cứ tiếp tục cố gắng làm cho anh ta hiểu ra tại sao hành vi/thái độ/lời nói của anh ta lại khiến tôi phiền lòng đến vậy. Tôi cằn nhằn, và tôi nói chuyện một cách nhẹ nhàng. Tôi cố đủ mọi cách nhưng hiếm khi hiệu quả. Sự bất lực của tôi trong việc tìm kiếm từ ngữ thích hợp để anh ta đừng làm những việc gây tổn thương cho tôi nữa quả thực khiến tôi nản vô cùng.

 

Cuối cùng tôi cũng học được rằng nếu như đàn ông không muốn hiểu, thì họ sẽ không hiểu, bất kể bạn có sử dụng từ ngữ hay kỹ năng gì đi chăng nữa. Tôi từng cố gắng hơn để ở bên một người đàn ông, hy vọng rằng anh ta sẽ mang đến cho tôi điều mà tôi mong muốn. Quên đi! Tôi cuối cùng cũng học được rằng khi lời nói và nỗ lực của tôi không làm anh ta thay đổi, tôi sẽ buộc phải thay đổi cách phản ứng của mình trước anh ta.

 

Nhiều năm trước, cô bạn Mary của tôi từng lắng nghe tôi đầy thông cảm khi tôi kêu ca về gã đàn ông tồi tệ của mình và nỗ lực của tôi trong việc khiến ANH TA hiểu ra rằng anh ta đã làm tổn thương tôi như thế nào. Tôi từng sử dụng những cái cớ trong Chương Mười bốn để ở lại bên ANH TA. Tôi viết những bức thư dài lê thê nhằm cố gắng khơi gợi sự cảm thông trước những nỗi đau mà anh ta gây ra, trong khi đảm bảo với anh ta rằng tôi biết là anh ta không cố ý làm vậy. Tôi nói chuyện qua điện thoại, và nói chuyện trực tiếp với anh ta. Đầu óc anh ta không được khai thông tí nào cả. Mary chỉ ra rằng chỉ nói suông sẽ chẳng đưa tôi tới đâu và có lẽ tôi nên bắt đầu hành động dựa trên những gì mình cảm thấy. Nếu như tôi phản ứng khác đi trước hành vi của anh ta và ngậm mồm mình lại, anh ta có thể hiểu được thông điệp hoặc là không.

 

Kể từ đó tôi nghe theo lời khuyên của Mary. Quá nhiều năng lượng đã bị lãng phí khi bạn cứ cố công giải thích mà chẳng thu được kết quả gì. Bạn không thể giao tiếp nếu như anh ta không muốn nghe. Nếu như bạn cứ tiếp tục kêu ca nhưng lại chấp nhận hành vi của anh ta, thì tạo sao anh ta lại nên lắng nghe bạn? Thay đổi phản ứng của bạn đối với anh ta sẽ là một phương thức giao tiếp hiệu quả hơn hẳn. Nó nói lên một điều rằng bạn rất nghiêm túc. Và nó cũng lành mạnh hơn đối với bạn nữa. Ngay cả khi anh ta chứng tỏ rằng mình là một gã tồi và cứ tiếp tục quen thói cũ, thì bạn vẫn có khả năng làm chủ nhiều hơn. Khi bạn ngừng khuyến khích những hành vi không thể chấp nhận được, có nghĩa là bạn đang từ từ tách ra khỏi anh ta. Khi bạn ngừng cung phụng mọi ý thích nhất thời của anh ta, anh ta sẽ coi trọng bạn hơn. Hãy nhớ rằng, hành động có ý nghĩa nhiều hơn lời nói!

 

Khi bạn nói chuyện với một ‘bức tường’, việc có cuộc sống của riêng mình (xem thêm Chương Mười tám) sẽ là một điểm tựa dành cho bạn, nó giúp bạn kiểm soát mọi chuyện dễ dàng hơn. Có nhiều cách để bạn có thể gửi đi thông điệp một cách rõ ràng hơn. Hãy bắt đầu bằng việc có sức mạnh để chấp nhận rằng bạn có thể sẽ ít gặp anh ta hơn, hoặc thậm chí là sống thiếu anh ta. Nếu bạn có một cuộc sống riêng mình, bạn có thể trở nên mạnh mẽ. Nếu như anh ta không trân trọng bạn khi cứ gọi điện vào phút chót, đừng nói rằng bạn đang bận — hãy bận rộn thật sự! Như thế thì hay hơn nhiều. Hãy lập các kế hoạch nếu như anh ta không liên lạc với bạn. Đừng hủy bỏ kế hoạch chỉ vì anh ta gọi cho bạn. Nếu mối quan hệ của bạn thực sự có ý nghĩa, thì nó sẽ tồn tại. Chúng tôi bàn luận điều này trong một nhóm có cả nam lẫn nữ, và Claire phát biểu mấy tuần sau đó:

Cary luôn làm những gì anh ta muốn vì biết rằng tôi mê mệt anh ta. Tôi cứ chỉ trích anh ta, và anh ta cứ việc làm theo ý mình. Tất cả các bạn ở đây đều nói rằng tôi nên giành lại cuộc sống của mình, nên tôi đã thử lên kế hoạch với bạn bè mình. Cary nổi điên lên khi anh ta không thấy tôi ở nhà. Tôi bảo với anh ta rằng tôi rất muốn gặp anh ta nhưng sẽ không ngồi đó mà chờ anh ta gọi. Tôi vẫn còn gặp gỡ anh ta nhưng cảm thấy giờ mình đã tự chủ hơn rồi, vì thế tôi không còn cần anh ta nhiều như trước nữa. Việc đặt bản thân lên hàng đầu là một cảm giác thật tuyệt vời. Giờ thì anh ta đã biết làm nhiều điều vì tôi hơn.

 

Patrick thêm vào, “Nếu bạn gái than phiền, tôi thường phớt lờ cô ấy. Nếu như cô ấy giữ được bình tĩnh và tôi thích cô ấy, tôi sẽ cố gắng hơn. Tôi sẽ thực sự lắng nghe.” Tôi sẽ trao đổi về vấn đề một lần, để mà anh chàng biết rằng điều gì đang làm tôi khó chịu. Rồi tôi buộc mình im miệng. Khi ấy, đàn ông thường phản ứng lại bằng cách thay đổi hành vi của mình. Nếu tôi thấy khó chịu vì cách hành xử của một người đàn ông, thì tôi sẽ không cảm thấy thân thiện nữa, và tôi sẽ rút lui từ từ. Tôi ít nhiệt tình hơn nhưng không mất hết nhiệt tình. Một sự thay đổi nhỏ có thể hiệu quả hơn là một sự thay đổi mạnh mẽ. Hãy để anh ta băn khoăn rằng có phải mình tưởng tượng ra điều đó. Hãy tập trung vào hạnh phúc của bản thân bạn và để cho anh ta đóng vai phụ thôi, nhưng hãy thân thiện khi bạn cảm thấy tự chủ. Điều đó có thể khiến anh ta thấy vô cùng bối rối, nhưng có lẽ anh ta sẽ nhận được thông điệp rằng có gì đó đã sai, và anh ta cần phải thay đổi.

 

Nếu anh ta quay lại, đừng chơi thứ mà tôi gọi là Bóng bàn tình yêu với anh ta. Thường thì khi một người đàn ông nhượng bộ, bạn có thể sẽ quay về với thói quen cũ của mình. Bạn không bao giờ được làm thế, nếu không cuối cùng anh ta cũng sẽ ngựa quen đường cũ. Rồi thì bạn lại phải rút lui (tôi gọi đó là Bóng bàn là vì thế). Bằng cách duy trì sự tự chủ của bạn để anh ta không bao giờ có thể nắm chắc bạn 100 phần trăm, anh ta sẽ bớt thiếu tôn trọng bạn hơn. Nếu như anh ta không phải là một gã tồi, sự quan tâm ít hơn của bạn có thể thúc đẩy anh ta quan tâm nhiều hơn đến mối quan hệ. Shelley kể với tôi:

Jared đã rất hăng hái. Anh ấy không thể làm đủ vì tôi, và tôi thì sắp xếp mọi việc của mình quanh lịch trình công việc cứng nhắc của anh ấy. Mọi chuyện thật hoàn hảo, cho tới khi tự nhiên anh ấy trở nên xa cách. Tôi hỏi anh ấy có chuyện gì thế, và anh ấy chối biến. Anh ấy gọi điện ít hơn và những cuối tuần bên nhau của chúng tôi trở thành chỉ còn lại vài giờ. Sau khi nói chuyện không mang lại hiệu quả, tôi nghĩ rằng thế là hết.

Tôi đọc được ở đâu đó rằng khi đàn ông đến thật nhiệt tình thì cũng sẽ rời đi nhanh chóng. Và chị đề nghị rằng tôi nên cho anh ấy một ít không gian riêng và hãy tận hưởng cuộc sống của mình. Vì thế tôi không phàn nàn nữa. Tôi đi chơi với bạn tôi và không rảnh để mà trả lời tin nhắn hay điện thoại. Tôi thân thiện nhưng xa cách. Tôi không để cho mình lúc nào cũng sẵn sàng có đó nữa.

Jared đã rất kinh ngạc. Anh ấy rút lui, và tôi thì vui vẻ tiếp tục cuộc sống của mình. Tôi vẫn thích được gặp anh ấy, khi mà tôi thấy thuận tiện. Cũng mất nhiều thời gian, nhưng giờ đây anh ấy đã xích lại gần hơn. Tôi nghĩ là anh ấy tin tưởng tôi, bởi vì tôi không làm ầm ĩ mọi chuyện lên. Giờ thì chúng tôi lại khăng khít như xưa. Mới đây anh ấy vừa bảo với tôi rằng anh thấy sợ và cảm thấy biết ơn vì tôi đã không bỏ anh.

 

Khi một người đàn ông rút lui, hãy đi theo sự dẫn dắt của anh ta. Đừng cố gắng nói chuyện hay gây sức ép với anh ta. Đàn ông rút lui đều có lý do cả. Hãy đủ dũng cảm để thay đổi cục diện. Hãy duy trì sự thân thiện và tiếp tục với cuộc sống của bạn. Bạn mất gì kia chứ? Đuổi theo đàn ông và anh ta sẽ lại càng xa cách hơn. Gây sức ép cho anh ta và anh ta sẽ sử dụng nó như một sự bào chữa cho việc tại sao anh ta cần phải lùi lại. Để cho anh ta yên sẽ mang đến cơ hội lớn nhất khiến anh ta quay lại. Anh ta sẽ thấy được rằng anh ta không thể lợi dụng việc bạn luôn có mặt ở đó được. Nếu như anh ta không muốn mất bạn, anh ta sẽ làm điều cần phải làm.

 

Nói đi đôi với làm là công cụ yêu thích của tôi để kiểm soát cảm xúc. Tôi từng lãng phí năng lượng để giải thích về những cảm xúc mà ANH TA không muốn hiểu. Giờ thì tôi cứ tiếp tục với cuộc sống của mình. Thời điểm mạnh mẽ yêu thích của tôi là khi một anh chàng bắt đầu xem nhẹ tôi. Chuyện chẳng có gì nghiêm trọng, nhưng tôi cần phải cho anh ta biết điều một chút. Anh ta để lại tin nhắn thoại vào một đêm nọ. Khi tôi gọi lại vào tối hôm sau, anh ta đùa rằng tôi hẳn phải về muộn vì một cuộc hẹn hò nóng bỏng nào đó — ha ha — bởi vì tôi đã không gọi lại cho anh ta ngay tối đó. Thường thì tôi sẽ nói với anh ta rằng mình đã đi đâu, nhưng lần này thì không. Cuối cùng anh ta cũng hỏi lúc anh ta gọi tôi đang ở đâu. Tôi chỉ nói là “ra ngoài.” Tôi có thể thề rằng tôi nghe thấy anh ta thở dốc ở đầu dây bên kia, nhưng anh ta không hỏi thêm gì nữa. Anh ta quả thực đã để tâm hơn.

 

 

Bạn Có Nên Gọi Điện Hay Nhắn Tin Cho Anh Ta Không?

Một kỹ thuật khác để nắm quyền kiểm soát là trở thành người duy nhất kết thúc các cuộc gọi hoặc những buổi hẹn hò trước. Điều này nghe ngớ ngẩn lắm đúng không? Phụ nữ thường cố gắng kéo dài thời gian khi ở bên nhau hoặc nói chuyện qua điện thoại. Tôi từng nói chuyện lâu nhất có thể miễn là anh ta để cho tôi làm vậy. Khi mà tôi cuối cùng cũng bắt đầu rời đi trước, tôi thực sự cảm thấy tự chủ. Thực tế, đàn ông thường nói tạm biệt trước. Lãng mạn, phụ nữ thường muốn nấn ná thêm, cố gắng bắt lấy bất kỳ sự tương tác nào với một anh chàng mà ta mê mẩn. Lần đầu tiên tôi nói với một anh chàng mà tôi thích rằng đã tới lúc tôi phải về nhà rồi, anh ta rất kinh ngạc, có lẽ là bởi anh ta không quen với việc phụ nữ kết thúc buổi tối trước. Sự kiểm soát có cảm giác thật phi thường. Giờ đây khi nói chuyện với một anh chàng qua điện thoại, đặc biệt là trước khi anh ta “chứng minh được điều ngược lại,” tôi cố gắng là người đầu tiên nói rằng tôi phải cúp máy đây, ít nhất là trong một nửa số lần nói chuyện. Kiểm soát những tình huống kiểu này khiến tôi cảm thấy rất sướng. Hoặc là tôi có được điều tôi muốn hoặc là tôi ngay lập tức biết rằng anh ta cần phải ra đi.

 

Bạn có nên gọi điện hoặc nhắn tin cho anh ta sau một buổi hẹn hò không? Hãy làm những gì mà bạn cảm thấy thoải mái. Khi tôi gặp một ai đó mà tôi cảm thấy thật dễ chịu khi ở bên, tôi thấy chẳng có vấn đề gì khi thỉnh thoảng tỏ ra chủ động cả. Nhưng chúng ta thường làm thế vì những lý do sai lầm — bởi vì ta không nghe thấy gì từ phía anh ta và muốn biết anh ta cảm thấy như thế nào. Khi một người đàn ông nói rằng anh ta sẽ goi mà chẳng hề gọi lại, bạn có tìm kiếm lý do để liên lạc với anh ta không? Có lẽ là bạn sẽ gửi một tin nhắn để nhắc nhở anh ta rằng bạn ở đó. Việc chờ đợi thật là kinh khủng. Đôi khi tôi gọi điện ngay sau buổi hẹn, tốt hơn cả là tôi có thể để lại một tin nhắn thoại hoặc gửi một tin nhắn ngắn gọn. Tôi cảm ơn anh ta vì bữa tối hay bất cứ điều gì và nói rằng tôi đã có được một buổi tối tuyệt vời. Giờ thì bóng đã nằm trong tay anh ta và tôi không còn phải đấu tranh với cái suy nghĩ “Mình nên gọi điện hay nên đợi đây?” Thành thực mà nói thì nó chẳng quan trọng. Nếu anh ta thích bạn, bạn sẽ nhận được tin nhắn hoặc điện thoại của anh ta. Liên lạc với anh ta và cảm thấy rằng mình bị từ chối bởi vì bạn có thể cảm nhận được sự miễn cưỡng khi nói chuyện của anh ta có thể hủy hoại lòng tự trọng của bạn hơn so với khi không nghe được tin gì từ anh ta cả. Vì thế mà tôi thích để kệ nó hơn.

 

Tôi đã học được một bài học quan trọng từ Pete. Anh ta gọi điện hai tuần sau buổi hẹn hò của chúng tôi, để lại lời nhắn rằng anh ta muốn gặp lại tôi. Đó là ngày thứ Năm, và tôi đi vắng trong hai ngày tiếp theo. Tối thứ Bảy tôi có hẹn với một anh chàng khác khi nghe được tin nhắn thoại thứ hai của Pete:

Anh đã gọi cho em, nhưng em không gọi lại. Anh nghĩ rằng em thích buổi tối của chúng ta. Anh đã có một buổi tối tuyệt vời khi chúng mình bên nhau. À, anh gọi lại lần nữa bởi vì anh nhận ra rằng lúc trước anh không để lại số điện thoại của mình hoặc có lẽ em đã đánh mất nó, nên đây là số của anh. Anh mong sớm nhận được điện thoại của em.

 

Có thái độ trong giọng nói của anh ta. Pete đã đợi hai tuần để gọi cho tôi nhưng thấy khó chịu khi tôi không gọi lại cho anh ta sau hai ngày. Anh ta sử dụng một trong những lý do trước đây của tôi khi gọi điện: “Có lẽ anh ấy để mất số điện thoại của mình.” Hãy thừa nhận điều này: Bạn cũng đã từng dùng tới cái lý do ấy. Hoặc bạn gọi điện để xem xem có chuyện gì xảy ra với anh ấy hay không. “Có lẽ là anh ấy bị tai nạn và vì thế mà mình chẳng nghe thấy gì từ anh ấy.” Vân vân và vân vân. Hãy tin tôi: Khi mà anh ta không gọi lại, thì chẳng có tai nạn nào cả. Anh ta chưa chết đâu. Thứ duy nhất đã sẵn sàng để đem chôn là cái lý do đó. Pete làm bụng tôi quặn lại với cái tin nhắn của anh ta. Tôi không thể nghĩ ra vấn đề nằm ở đâu cho tới khi anh chàng đi cùng tôi nhận xét rằng, “Nghe như là tin nhắn của một cô gái vậy.” Đúng là như vậy. Tôi thề rằng tôi sẽ không bao giờ để lại một lời nhắn nào như thế nữa. Hãy tự chủ và gọi cho anh ấy chỉ vì những lý do chính đáng.

 

 

Nhìn Thấy Con Người Thật Của Bạn

Một kỹ thuật mà tôi sử dụng trong việc tự nhận thức là cố gắng bước ra khỏi con người tôi và quan sát sự tương tác của bản thân với người khác. Thường thì bạn sẽ không nhận thấy mình để lại ấn tượng như thế nào trong mắt người khác. Để thay đổi cách thức người khác đối xử với mình, bạn cần đưa ra tín hiệu bằng cách thay đổi hành vi của chính bạn. Nhưng làm sao bạn biết được cần phải làm gì nếu như bạn không nhận thức được phản ứng của mình trước những người khác?

 

Bạn thường tự cho mình là đúng, cho rằng bạn đang giải quyết sự việc theo cách tốt nhất. Bạn cần phải nghiêm túc chú ý đến bản thân trong những tình huống mà bạn không có được phản ứng như bạn mong đợi. Hãy cẩn thận lắng nghe bản thân. Việc nhận biết những điều bạn làm sẽ cho phép bạn thấy được điều gì là không hiệu quả. Lần đầu tiên tôi lắng nghe sự than van của mình, tôi tự hỏi rằng tại sao tôi lại không thấy nó trước đây. Tôi đã dành nhiều sự chú ý vào cách giao tiếp của người khác hơn là của tôi. Giờ đây tôi lắng nghe chính mình, và quan sát các động thái của mình. Đôi khi tôi cảm thấy mình như là một nhà thám tử truy tìm manh mối vậy. Cách duy nhất để thay đổi là biết được bạn hành động như thế nào. Hãy nhớ rằng: Sự tự nhận biết là bước đầu tiên để cải thiện bản thân!

 

Bạn có thể quan sát được những gì? Bạn có hay ca cẩm với một tiếng rên rỉ hay ra vẻ tài giỏi như thể tôi đây biết tuốt không? Đã bao lần bạn tỏ vẻ xin lỗi, nói rằng “Tôi xin lỗi” khi mà bạn chẳng làm gì sai hết? Nói “Tôi xin lỗi” thường xuyên sẽ đẩy bạn vào thế phòng thủ và ảnh hưởng tới lòng tự trọng của bạn. Thái độ hay giọng điệu của bạn có bộc lộ nhiều hơn so với lời nói của bạn hay không? Cái giọng điệu ấy khiến bạn cảm thấy như thế nào? Bạn có thích người khác nói với bạn như vậy hay không? Hãy thật khách quan. Có lẽ đã đến lúc để có một ngữ điệu, một âm lượng, hay một thái độ khác. Hãy thành thật về việc bạn sẽ phản ứng như thế nào nếu bạn là người ta.

 

Hãy nhận thức về ngôn ngữ cơ thể của bạn. Bạn nom có mất kiên nhẫn, thất vọng, hay tức giận không? Bạn tỏ ra tích cực hay tiêu cực? Bạn thể hiện sự tự tin hay bất an? Đàn ông rất nhạy với những điều này, và chúng ảnh hưởng tới phản ứng của họ. Bạn có chống nạnh không? Tư thế này có thể đẩy anh ấy vào thế phòng thủ. Bạn trông có vẻ thoải mái trước những điều mình nói hoặc làm không? Bạn có mỉm cười không? Những phong thái này sẽ tác động tới việc người khác nhìn nhận bạn. Bạn hay mất bình tĩnh như thế nào trong khi bạn biết rằng đáng lý ra bạn nên tự chủ? Những tình huống nào có thể làm thay đổi sự cân bằng của bạn từ tự chủ sang trạng thái để cho cảm xúc lấn át? Hãy nhận biết về bản thân và sự tương tác của bạn với nửa kia của mình. Hãy xác định những tín hiệu cho phép bạn có thể tìm ra những cách hiệu quả hơn để tương tác với đàn ông.

 

 

Học Hỏi Từ Những Người Khác

Việc quan sát người khác xử lý tình huống sẽ giúp bạn tìm ra được điều gì có thể có hiệu quả với mình. Nhìn thấy đặc điểm tính cách của mình ở những người khác có thể khiến bạn có cái nhìn khách quan về chúng hơn. Tôi không nói rằng bạn nên bắt chước người khác, nhưng bạn có thể dễ dàng nhìn thấy kiểu tính cách ở những người khác hơn. Hãy trở thành một người quan sát con người. Sau khi đi theo một kiểu trong suốt cuộc đời mình, tôi đã không biết làm thế nào để thay đổi. Vì thế tôi đã chọn lấy điều này điều nọ mà tôi thích ở những người khác và tập hợp chúng lại thành phong cách của riêng mình. Tôi khuyên bạn nên chọn một hình mẫu cụ thể. Hãy tìm những người phụ nữ có được thứ mà họ muốn hoặc những người có tính cách mà bạn mong muốn có được, và học hỏi từ họ. Ramona kể với một nhóm trợ giúp:

Ở chỗ tôi làm có một nữ đồng nghiệp mà tôi rất ngưỡng mộ. Cô ấy được tất cả mọi người tôn trọng. Không có ai buôn chuyện về cô ấy hết. Cô ấy luôn có một người bạn trai tử tế. Tôi luôn ước được như cô ấy. Tôi nghe theo lời khuyên hãy quan sát những phẩm chất về hành vi và tính cách của người phụ nữ này và đã có thể chỉ ra những cách thức cụ thể mà cô ấy dùng để đối phó với mọi người. Tôi học hỏi từ cô ấy. Tôi đã thấy được những cách thức khác nhau mà cô ấy dùng để nói chuyện với đàn ông và tôi sẽ thử áp dụng. Cô ấy thể hiện sự tự tin trong mọi việc mình làm. Tôi hy vọng sẽ thi đua với cô ấy đủ để phát triển sự tự tin của chính mình.  

 

Bạn phản ứng như thế nào trước giọng điệu của người khác? Có phải có những điểm trong hành vi của họ khiến bạn phản ứng một cách tích cực không? Điều gì làm bạn khó chịu? Hãy sử dụng những yếu tố này như một chiếc phong vũ biểu cho bản thân mình. Tôi đã có thể nghe tiếng rên rỉ trong giọng nói của mình một cách khách quan hơn sau khi tôi nghe thấy nó ở những người phụ nữ khác. Eo ôi! Nghe những tiếng rên rỉ ấy khiến tôi cảm thấy mất hứng đến nỗi tôi đã quyết tâm phải từ bỏ chúng cho bằng được.

 

Hãy quan sát các cặp đôi. Hãy xem cách mà những người phụ nữ khác tương tác với người đàn ông của mình. Quan sát họ khiến tôi thấy được điều mà tôi không muốn. Có phải cô ấy quá xun xoe bên anh ta? Liệu có sự cân bằng giữa họ hay không? Có phải cô ấy thể hiện tình cảm nhiều hơn, bám dính hơn, và nhìn chung là bỏ ra nhiều năng lượng hơn không? Bạn có thể sẽ nhận thấy phụ nữ bám dính đàn ông nhiều hơn, trong khi đàn ông thì đưa ra rất ít sự đáp lại. Cá nhân tôi không còn muốn trở thành một người phụ nữ cứ bám chặt lấy đàn ông, bợ đít anh ta, lúc nào cũng hôn hít anh ta, và vân vân, trong khi anh ta thì khệnh khạng đi bên cạnh cô ấy với một cái nhìn dửng dưng. Tôi đã từng ở đó, tôi đã từng như vậy. Khi tôi nhìn thấy hành vi này ở những người khác, nó không còn ý nghĩa với tôi nữa. Julie kể với lớp học của tôi:

Tôi lắng nghe những cặp đôi nói chuyện xung quanh tôi – trong một nhà hàng, khi đang xếp hàng, trong công viên. Những người phụ nữ than phiền rất nhiều. Họ có cái giọng đầy đay nghiến khi làm vậy. Hoặc, họ để cho anh chàng kia quay họ như dế trong khi thể hiện tình yêu của mình. Kể từ khi tôi bắt đầu nghe trộm như vậy, tôi đã nhận thấy hình bóng của mình trong những người phụ nữ ấy và tôi chẳng thích điều này một chút nào. Nó như là một sự thức tỉnh đối với tôi vậy. Tôi từng tự hỏi rằng tại sao đàn ông lại không coi trọng tôi như là tôi đã làm với họ. Giờ thì tôi đã biết được một lý do. Tôi xem sự rình mò của mình như là một bài học dành cho sự phát triển bản thân. Tôi thực sự có thể học hỏi từ những người khác.

 

Bạn có thấy hình ảnh của những cặp đôi khác gợi nhớ lại sự tương tác trong mối quan hệ trong quá khứ hay hiện tại của bạn hay không? Bạn thấy thế nào khi nhìn thấy điều này ở người khác? Tôi từng quan sát các cặp đôi tương tác với nhau và nghĩ, “Không, mình sẽ không bao giờ muốn trở nên như vậy.”