3273635609_659df5a994

Gánh nặng của một cuộc chiến đấu không có nghĩa lý gì với những ai có được sự thanh thản trong tâm hồn.

Dành tặng Ali

Cha biết chắc là con hạnh phúc dù cho lúc này con ở bất kỳ đâu

LỜI GIỚI THIỆU

Mười bảy ngày sau cái chết của cậu con trai tuyệt vời Ali của tôi, tôi bắt đầu viết và không dừng lại được. Chủ đề viết của tôi là hạnh phúc – một chủ đề không được bình thường vào thời điểm đó.

Ali thực sự là một thiên thần. Thằng bé khiến cho mọi thứ mà nó chạm tay vào và mọi người mà nó gặp luôn thấy hạnh phúc hơn. Thằng bé luôn luôn bình thản, luôn luôn hạnh phúc. Bạn sẽ chẳng thể bỏ qua được cái năng lượng ấy nơi thằng bé hay cái cách mà nó luôn tận tình quan tâm tới mọi con người mà nó gặp gỡ trên bước đường đời. Khi thằng bé bỏ chúng tôi mà đi, chúng tôi có đủ mọi lý do để thấy đau khổ – và thậm chí là bất hạnh. Vậy thì tại sao sự ra đi của con trai lại thúc đẩy tôi cầm bút viết về điều mà bạn sắp đọc tới đây? Vâng, đó là câu chuyện được bắt đầu kể từ khi thằng bé sinh ra – mà có lẽ là còn sớm hơn thế nữa.

Kể từ khi tôi bắt đầu đi làm, tôi đã giành được nhiều thành công, sự giàu có, và được ghi nhận. Dầu vậy, tôi vẫn luôn cảm thấy không được hạnh phúc. Ngay từ buổi đầu sự nghiệp khi tôi làm việc cho những gã khổng lồ công nghệ như là IBM và Microsoft, tôi đã thu được sự thoả mãn lớn lao về mặt tri thức, rất nhiều phần thưởng dành cho cái tôi, và, vâng, tôi còn kiếm được một ít tiền nữa. Nhưng khi mà tôi cảm thấy may mắn mỉm cười với mình, thì tôi càng ít cảm thấy hạnh phúc hơn.

Đó không chỉ bởi vì cuộc sống trở nên phức tạp hơn – như bạn biết đấy, giống với một bài hát rap của thập niên 90 vậy, “Mo Money mo Problems” (tạm dịch: Càng nhiều tiền thì càng rắc rối). Vấn đề nằm ở chỗ, dù cho tôi có được sự tưởng thưởng về mặt tri thức và tiền bạc, tôi vẫn không thể tìm thấy được bất kỳ niềm vui nào trong đời mình. Ngay cả sự ban ơn lớn nhất của cuộc đời tôi là gia đình thì cũng không thể mang lại cho tôi niềm vui như mong đợi bởi vì tôi không biết làm thế nào để đón nhận nó.   

Điều nực cười là, khi mà tôi còn trẻ, dù cho tôi có phải vật lộn để tìm ra được con đường cho cuộc đời mình và thường phải cố gắng lắm mới đủ khả năng trang trải sinh hoạt phí mỗi tháng, tôi vẫn luôn cảm thấy rất hạnh phúc. Nhưng vào năm 1995, khi mà vợ tôi và tôi và hai đứa con đóng gói đồ đạc và chuyển tới Dubai sinh sống, mọi việc đều thay đổi. Tôi không có ý chê bai gì Dubai đâu, bạn hiểu cho tôi nhé. Đó là một thành phố đầy ấn tượng với những công dân vô cùng hào phóng, những người dân thuộc tiểu vương quốc Arab, thực sự khiến tôi cảm thấy như đang ở nhà. Thời điểm chúng tôi chuyển tới đây đồng thời trùng với thời kỳ tăng trưởng vượt bậc của Dubai, và mang tới những cơ hội việc làm đáng kinh ngạc và hàng triệu triệu cách thức để khiến bản thân bạn cảm thấy hạnh phúc, hay ít nhất là thử nghiệm điều đó.

Nhưng Dubai cũng mang tới cảm giác không thực. Đối lập với vùng đất cát nóng bỏng và làn nước trong xanh như ngọc, đường chân trường đầy ắp những toà nhà văn phòng và khu dân cư hiện đại nơi mà những căn hộ triệu đô liên tục được chọn mua bởi những vị khách hàng trên toàn thế giới. Trên đường phố, Porsche và Ferrari tranh giành chỗ đậu xe với những Lamborghini và Bentley. Sự xa hoa tột bậc này làm bạn loá mắt – nhưng đồng thời cũng xui khiến việc đặt ra câu hỏi rằng liệu, so với tất cả những điều này, bạn hầu như chẳng đạt được điều gì.

Vào thời điểm chúng tôi đặt chân tới tiểu vương quốc Arab, tôi hẳn đã rơi vào cái thói quen tự so sánh bản thân mình với những người bạn siêu giàu của tôi và luôn thấy bị thua thiệt. Nhưng những cảm giác tụt hậu ấy không khiến tôi chùn bước hay tự cô lập mình. Thay vì vậy điều ấy khiến cho tôi càng thêm nỗ lực. Tôi chỉ đơn giản là làm những điều mà tôi vẫn luôn làm như là một kẻ lập dị quái gở luôn bị ám ảnh với việc đọc sách kể từ hồi còn nhỏ: tôi mua về hàng đống sách. Tôi học cách phân tích kỹ thuật xu hướng lên xuống của cổ phiếu trên các bảng biểu với những công thức tính toán. Và với kỹ năng này tôi có thể dự đoán sự biến động của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn như một chuyên gia thực thụ. Khi tôi về đến nhà sau một ngày làm việc là thời điểm thị trường chứng khoán New York mở cửa ở Mỹ và khi ấy tôi vận dụng kiến thức toán học của mình vào việc nghiêm túc kiếm tiền như là một nhà đầu tư ban ngày (hay chính xác hơn trong trường hợp của tôi, là nhà đầu tư ban đêm).

Và vâng – tôi mong rằng tôi không phải là người đầu tiên kể cho bạn nghe câu chuyện kiểu này – rằng tôi càng kiếm được nhiều tiền, thì tôi càng cảm thấy ít hạnh phúc hơn. Điều ấy khiến tôi càng lao vào công việc và mua sắm các ‘đồ chơi’ mới với một giả định sai lầm rằng, không sớm thì muộn, tất cả những nỗ lực này sẽ được trả giá và tôi rồi sẽ tìm được chiếc hũ vàng – sự hạnh phúc – tôi cho rằng điều ấy đang chờ đợi tôi ở điểm cuối cùng của chiếc cầu vồng mang tên thành tựu lớn. Tôi giống như một con chuột hamster trong tình trạng mà các nhà tâm lý học gọi là “cối xay hưởng lạc”. Bạn càng có được nhiều thứ, thì bạn càng muốn nhiều hơn nữa. Bạn càng nỗ lực cố gắng, thì bạn càng tìm thấy có thêm nhiều lý do để cố gắng hơn.

Vào một tối nọ tôi lên mạng và với hai cái click chuột tôi đã mua về hai chiếc Rolls-Royce cổ. Tại sao vậy? Bởi vì điều này nằm trong khả năng của tôi. Và bởi vì tôi đang tuyệt vọng trong việc cố gắng lấp đầy sự trống rỗng trong lòng mình. Và có lẽ bạn sẽ chẳng thấy ngạc nhiên chút nào nếu biết rằng khi những cỗ máy cổ điển xinh đẹp của Anh xuất hiện trong ga-ra nhà tôi, chúng chẳng hề khiến tôi vui lên chút nào

Khi nhìn lại quãng thời gian này của cuộc đời mình, tôi nhận ra khi ấy tôi không phải là người được ưa chuộng gì cho lắm. Công việc của tôi tập trung vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh của Microsoft tại thị trường châu Phi và Trung Đông, mà, như bạn có thể hình dung, đã khiến tôi dành nhiều thời gian cho những chuyến bay hơn cả. Trong cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ dành cho nhiều hơn của mình, tôi trở thành một kẻ hay áp đặt và khó chịu ngay cả khi ở nhà, và tôi biết rõ điều đó. Tôi dành ra quá ít thời gian để bày tỏ lòng biết ơn đối với người phụ nữ mà tôi đã kết hôn cùng, quá ít thời gian cho con trai và con gái tôi, và chẳng bao giờ dừng lại để tận hưởng những khoảnh khắc quý giá của một ngày

Thay vì vậy tôi dành gần như toàn bộ thời gian không ngủ của mình vào việc trở nên tham vọng, lo lắng, hay chê bai, và đòi hỏi thành tích và biểu hiện tốt ở ngay cả mấy đứa trẻ nhà mình. Tôi điên cuồng trong việc cố gắng khiến cho cái thế giới này vận hành theo cách mà tôi nghĩ rằng nó phải diễn ra. Vào năm 2001 việc làm việc không ngừng và sự trống rỗng đã đẩy tôi tới cơn khủng hoảng.

Tại thời điểm đó tôi biết rằng tôi không thể tiếp túc phớt lờ vấn đề này thêm nữa. Cái con người đầy độc đoán và không bao giờ thấy hạnh phúc cứ nhìn chằm chằm vào tôi trong gương ấy đâu phải là con người thật của tôi. Tôi thấy nhớ cái chàng trai hạnh phúc và đầy lạc quan mà tôi đã từng là, và tôi thấy quá đỗi chán ngán với việc lê lết trong cái sự mệt mỏi, đau khổ, và hay gay hấn này rồi. Tôi quyết định đưa cái cảm giác chán trường của bản thân mình tới một thử thách: tôi sẽ áp dụng phương pháp tự học của mình, cùng với khả năng tư duy phân tích của một kỹ sư, để tìm ra lối thoát cho mình.

  • •  •

Lớn lên ở Cairo, Ai Cập, nơi mẹ tôi là một giáo sư văn học Anh, tôi đã chìm đắm trong thế giới của sách từ lâu trước cả khi bắt đầu tới trường. Ở tuổi lên tám, mỗi năm tôi lại tập trung vào một chủ đề nào đó và mua nhiều sách nhất có thể trong số tiền mà mình có được. Tôi dành toàn bộ thời gian còn lại trong năm để học lấy mọi từ trong mọi cuốn sách. Sự ám ảnh này khiến tôi trở thành trò cười trong mắt bạn bè, nhưng cái thói quen ấy trở thành cách tiếp cận của tôi đối với mọi thử thách và tham vọng. Bất kỳ khi nào đời sống trở nên khó khăn, tôi lại tìm đến sách vở.

Tôi tự học nghề mộc, vẽ tranh, guitar, và tiếng Đức. Tôi đọc về thuyết tương đối hẹp, tìm hiểu về lý thuyết trò chơi và toán học, và tôi học cách lập trình các chương trình tin học phức tạp. Từ khi là một đứa trẻ học tiểu học, cho tới khi ở tuổi vị thành niên, tôi tiếp cận vô số những cuốn sách với một mối chuyên tâm duy nhất. Khi trưởng thành hơn, tôi cũng áp dụng một niềm đam mê như thế đối với việc học về phục chế xe cổ, nấu ăn, và vẽ chân dung. Tôi đạt tới một mức độ thành thạo nhất định về kinh doanh, quản lý, tài chính, kinh tế, và đầu tư chủ yếu chỉ qua sách vở.

Khi mọi việc trở nên khó khăn chúng ta thường làm nhiều hơn những điều mà ta làm tốt nhất. Vì vậy, trong những năm ở độ tuổi ba mươi và đau khổ của tôi, tôi lao vào đọc về tình thế khó khăn của bản thân. Tôi mua mọi quyển sách về chủ đề hạnh phúc mà tôi có thể tìm thấy. Tôi tham dự mọi khoá học, xem mọi cuốn phim tài liệu, và rồi cần mẫn phân tích mọi điều mà tôi học được. Nhưng tôi không tiếp cận chủ đề này theo quan điểm của những nhà tâm lý học đã viết ra những cuốn sách ấy và thực hiện các thí nghiệm khiến cho việc “nghiên cứu về hạnh phúc” là một chủ đề học thuật nóng hổi. Đương nhiên tôi không đi vào con đường mà mọi triết gia và nhà thần học đã từng phải vất vả vật lộn với cái vấn đề về hạnh phúc nhân loại kể từ thời điểm nền văn minh được hình thành.

Tôi tiếp tục quá trình tự học của mình, tôi chia nhỏ vấn đề hạnh phúc thành những phần nhỏ nhất và áp dụng phương pháp phân tích kỹ thuật. Tôi áp dụng cách tiếp cận hướng tới thực tế mà có thể đi sâu vào và có thể mô phỏng được. Trong suốt quá trình ấy, tôi thách thức mọi qui trình mà tôi đã được chỉ bảo cần tuân thủ một cách mù quáng, thử nghiệm sự phù hợp của mọi động thái, và nhìn sâu vào tính phù hợp của mọi đầu vào khi mà tôi cố gắng tạo ra một thuật toán sẽ mang tới kết quả mong muốn. Là một chuyên gia lập trình, tôi đặt ra mục tiêu là cần phải tìm ra thuật toán có thể áp dụng được nhiều lần trong cuộc đời mình để mang đến niềm hạnh phúc vào mọi lúc

Kỳ lạ thay, sau tất cả những nỗ lực bền bỉ xứng đáng của ngài Spock, tôi đã tìm ra khám phá đầu tiên thật sự của mình trong một lần nói chuyện với mẹ tôi. Bà luôn bảo với tôi rằng cần phải làm việc chăm chỉ và ưu tiên cho sự thành công về mặt tài chính của mình hơn tất cả những điều khác. Bà thường trích dẫn một câu tục ngữ Ả Rập, mà dịch nôm na ra là, “Hãy ăn uống kham khổ trong một năm và ăn mặc giản dị thêm một năm nữa, và rồi anh sẽ hạnh phúc mãi mãi.” Khi còn trẻ tôi coi câu tục ngữ ấy là một tín điều. Tôi làm việc chăm chỉ và tiết kiệm và trở nên thành công. Tôi đã trả giá đủ cho giao kèo này. Vì thế một ngày nọ tôi hỏi mẹ tôi: Tất cả những niềm hạnh phúc mà tôi xứng đáng được hưởng đâu rồi?

Trong suốt cuộc nói chuyện ấy, tôi bỗng nhiên hiểu ra rằng hạnh phúc không nên là điều mà bạn chờ đợi và cố gắng đạt tới như thể đó là một phần thưởng. Ngoài ra, nó không nên phụ thuộc vào những điều kiện bên ngoài, hay là những cảm giác thoáng qua và phù du như thành công sự nghiệp hoặc tích luỹ tài sản. Con đường mà tôi lựa chọn tính tới thời điểm đó đầy những tiến bộ và thành công, nhưng cứ mỗi lần tôi tiến tới gần hạnh phúc hơn, thì nó lại lùi xa hơn nữa.

Điều mà tôi nhận ra được chính là tôi sẽ không bao giờ có được hạnh phúc cho tới khi mà tôi vẫn còn cho rằng tôi cần phải làm điều này hay có được thứ kia hay đạt tới vị trí nào đó thì tôi sẽ trở nên hạnh phúc. 

Trong môn đại số, các phương trình có thể được giải theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ như, nếu A=B+C, thì B=A–C. Nếu như mà bạn muốn tìm ra A, thì bạn cần phải tìm ra giá trị của hai thông số —B và C — và nếu như bạn muốn tìm được B, thì bạn phải làm cách khác. Thông số mà bạn lựa chọn để giải toán sẽ triệt để thay đổi cách thức mà bạn tiếp cận lời giải. Điều này cũng đúng nữa khi mà bạn quyết định giải phương trình hạnh phúc.

Tôi bắt đầu nhận ra rằng suốt quá trình nỗ lực của bản thân tôi đã cố gắng giải quyết sai vấn đề. Tôi tự đặt ra cho mình những thách thức theo đuổi sự giàu có về mặt vật chất, niềm vui thú, địa vị và những điều tương tự như thế, và tin rằng, rốt cuộc, kết quả của tất cả những nỗ lực này sẽ là … hạnh phúc. Đáng lý ra tất cả những gì mà tôi cần phải thực hiện là bỏ qua những bước trung gian và chỉ đơn giản tìm đến hạnh phúc mà thôi.

Cuộc hành trình của tôi kéo dài gần mười năm, nhưng vào năm 2010 tôi đã tìm ra được phương trình và một mô hình hạnh phúc có tính kỹ thuật, đơn giản và dễ thực hiện và duy trì.

Tôi đưa cái hệ thống này vào chạy thử và nó tỏ ra hiệu quả. Sự căng thẳng vì để mất một mối làm ăn, hàng dài người xếp hàng chờ làm thủ tục trong sân bay, dịch vụ khách hàng kém cỏi – không một thứ nào trong số đó có thể làm ảnh hưởng tới niềm hạnh phúc của tôi. Cuộc sống thường ngày khi làm một người chồng, một người cha, một người con, một người bạn, và một nhân viên đều mang những bất ngờ không lường trước được, nhưng dù cho một ngày của tôi có ra sao đi nữa, dù cho nó có là một ngày tốt hay xấu – hay là sự pha trộn của cả hai sắc thái này – tôi nhận thấy rằng mình vẫn có thể tận hưởng chuyến tàu lượn siêu tốc của số phận.

Tôi cuối cùng cũng trở về cái con người hạnh phúc mà tôi từng xem là “mình” từ thưở ngày xưa, và tôi vẫn duy trì được tình trạng đó suốt một thời gian. Tôi chia sẻ cái qui trình nghiêm ngặt của mình với hàng trăm người bạn, và Phương trình Hạnh phúc của tôi cũng tỏ ra hiệu quả đối với họ. Phản hồi của họ giúp tôi có thể cải thiện mô hình này thêm nữa. Mà, thành ra, lại là một điều tốt, bởi vì tôi không ngờ rằng mình lại cần tới nó đến nhường nào.

  • •  •

Cha tôi là một kỹ sư xây dựng tài năng và là một người vô cùng tử tế. Dù cho niềm đam mê của tôi là khoa học máy tính, tôi vẫn chọn học ngành kỹ sư xây dựng để làm vui lòng ông. Dù sao thì chuyên ngành học của tôi cũng không phải là thứ mà tôi dành nhiều công sức nhất trong sự nghiệp học tập của mình bởi vì, như cha tôi tin tưởng, việc học chỉ thực sự có hiệu quả trong đời thực. Kể từ khi tôi còn học trung học cơ sở cha đã luôn khuyến khích tôi dành những kỳ nghỉ hè để tới thăm các đất nước khác nhau. Ban đầu ông tiết kiệm từng đồng để mang tới những trải nghiệm ấy cho tôi, và ông sắp xếp để tôi có thể có thể đi cùng gia đình và bạn bè mình. Sau này tôi tự lao động để đỡ đần ông một phần chi phí cho những chuyến đi của bản thân mình. Sự trải nghiệm thế giới thực tế này quý giá tới mức tôi từng thề sẽ tạo cơ hội như thế cho các con mình.

Khá may mắn, lựa chọn về trường đại học của tôi đã mang tới cho tôi những ích lợi và may mắn lớn nhất trong những tháng ngày thời sinh viên. Tôi đã được quen biết với người con gái quyến rũ và thông minh nhất trên đời có tên là Nibal. Một tháng sau khi cô ấy tốt nghiệp đại học chúng tôi đã làm đám cưới, và một năm sau đó cô ấy trở thành Umm Ali, mẹ của Ali , như cách người ta vẫn thường dùng để gọi những người phụ nữ ở Trung Đông khi họ sinh đứa con đầu lòng. Mười tám tháng sau đó, con gái của chúng tôi, Aya, đến với chúng tôi như là ánh mặt trời và là nguồn năng lượng bất tận trong gia đình tôi. Cùng với Nibal, Ali, và Aya xuất hiện trong cuộc đời mình, may mắn đến với tôi không ngừng. Tình yêu dành cho gia đình mình thúc đẩy tôi làm việc chăm chỉ để mang tới cho họ cuộc sống tốt nhất. Tôi thực hiện thách thức này như một con tê giác chạy bằng điện vậy.

Vào năm 2007 tôi đầu quân cho Google. Bất chấp sự thành công của công ty, ở thời điểm đó sự phổ biến toàn cầu của công ty vẫn còn hạn chế, vì vậy vai trò của tôi là mở rộng hoạt động của nó ở Đông Âu, Trung Đông, và châu Phi. Sáu năm sau đó tôi chuyển tới Google X, mà hiện là một thực thể riêng biệt được biết đến với cái tên X, và tôi đảm nhiệm chức vụ giám đốc kinh doanh. Ở X, chúng tôi không cố gắng đạt được cải tiến mang lại lợi ích kinh tế theo cái cách mà cả thế giới này vẫn thường thực hiện; thay vì vậy, chúng tôi cố gắng phát triển các công nghệ mới mà sẽ tái tạo lại cách thức mà mọi thứ diễn ra. Mục tiêu của chúng tôi là thực hiện một sự cải tiến triệt để, gấp mười lần —10X. Điều này dẫn chúng tôi tới việc thực hiện những ý tưởng mang tính khoa học viễn tưởng như là tạo ra những máy bay tự động từ sợi carbon có chức năng như là một chiếc máy bay chạy bằng sức gió, những chiếc máy tính nhỏ xíu thu gọn trong kích cỡ của chiếc kính áp tròng thu thập các dữ liệu về sinh lý và có thể nối mạng với các máy tính khác, và những quả bóng bay truyền các thông tin liên lạc vào tầng bình lưu giúp cung cấp dịch vụ Internet tới tất cả mọi người ở tất cả mọi nơi trên trái đất. Ở X, chúng tôi gọi đó là những dự án “ánh trăng.”

Khi mà bạn tìm kiếm những cải tiến khiêm tốn nhất trong những điều đang hiện hữu, bạn bắt đầu làm việc với những công cụ và giả thiết, cùng một khung trí tuệ đã kiến tạo nên các công nghệ cũ. Nhưng khi thách thức trở thành việc tiến về phía trước với cấp số 10, bạn bắt đầu từ tờ giấy trắng. Khi bạn tham gia vào một dự án ánh trăng, bạn sẽ thấy mê mẩn với vấn đề cần giải quyết, chứ không phải là sản phẩm cuối cùng. Bạn đặt toàn tâm toàn ý vào cái sứ mệnh trước cả khi bạn biết rằng bạn có khả năng làm được điều đó. Và bạn đặt ra những mục tiêu táo bạo. Ví dụ như là, ngành công nghiệp sản xuất ô tô vẫn luôn tập trung vào yếu tố an toàn trong nhiều năm qua. Họ tạo ra những bước tiến vượt bậc bằng cách đưa vào những cải tiến trong thiết kế truyền thống của một chiếc xe hơi – cái thiết kế mà tất cả chúng ta đều quen thuộc kể từ đầu thế kỷ 20. Còn cách thức tiếp cận của chúng tôi ở X được bắt đầu với câu hỏi, “Tại sao lại để tai nạn xảy ra ngay từ ban đầu?” Và rồi chúng tôi tiến tới với một dự án ánh trăng: một chiếc xe tự lái.

Trong khi ấy, mô hình hạnh phúc của tôi vẫn vận hành tốt, và trong khi tôi tìm được niềm vui thích lớn trong công việc, tham gia đóng góp vào công cuộc kiến tạo tương lai, con trai và con gái tôi đang học tập và lớn lên, và vẫn duy trì truyền thống của cha chúng, thăm thú những miền đất mới vào mỗi mùa hè. Chúng có rất nhiều bạn bè để ghé thăm trên khắp thế giới, và chúng luôn thăm thú khắp nơi.

Vào năm 2014 Ali đã là sinh viên đại học ở Boston, và năm ấy thằng bé dự định thực hiện một chuyến đi dài xuyên Bắc Mỹ, và chúng tôi không mong gì vào việc thằng bé sẽ về Dubai thăm nhà. Tôi đã rất ngạc nhiên, khi vào tháng 5, thằng bé gọi cho tôi và nói rằng nó cảm thấy không cưỡng lại được mong muốn được về nhà và dành vài ngày bên chúng tôi. Chẳng hiểu vì sao mà thằng bé thấy khẩn thiết phải làm vậy, và nó hỏi tôi rằng liệu tôi có thể mua vé máy bay cho con ngay sau khi kết thúc học kỳ hay không. Aya cũng định về thăm chúng tôi, nên Nibal và tôi mừng lắm. Chúng tôi sắp xếp mọi thứ và háo hức chờ đợi cả gia đình sẽ được đoàn tụ vào tháng 7.

Bốn ngày sau khi trở về, Ali bị đau bụng dữ dội và phải đi bệnh viện, nơi mà các bác sĩ chuẩn đoán rằng thằng bé bị viêm ruột thừa cấp tính. Tôi không thấy lo lắm. Thực ra, tôi thấy nhẹ nhõm vì việc này xảy ra khi thằng bé ở nhà vì thế mà chúng tôi có thể chăm sóc cho con. Kỳ nghỉ có thể sẽ không diễn ra như tôi mong đợi, nhưng kế hoạch rất dễ điều chỉnh.

Khi Ali nằm trên bàn mổ, khí carbon dioxide được đưa vào từ một ống tiêm nhằm nới rộng ổ bụng và làm sạch cho toàn bộ quá trình. Nhưng mũi kim đã đâm sâu quá vài mm, làm vỡ động mạch chủ của Ali — một trong những mạch máu quan trọng đưa máu tới tim. Rồi mọi việc chuyển biến từ tệ hơn tới tệ nhất. Những giây phút quý giá trôi qua trước khi có người nhận ra sai lầm, và rồi một loạt các sai phạm khác đã dẫn tới kết quả không thể cứu vãn. Chỉ trong vòng vài giờ, con trai tôi đã ra đi mãi mãi. 

Trước khi chúng tôi có thể bắt đầu tiếp nhận sự đau đớn của sự kiện này, Nibal, Aya, và tôi đã được bao vây trong vòng tay bạn bè và mọi người đã giúp đỡ chúng tôi trong khi chúng tôi vật lộn với việc nhận thức bước ngoặt của cuộc đời.

Mất đi một đứa con, như người ta vẫn thường nói, là trải nghiệm đau đớn nhất mà một người phải gánh chịu. Việc ấy khiến mọi bậc làm cha mẹ đau khổ tột cùng. Mất đi Ali ở thời điểm mà tương lai của thằng bé vẫn còn đang rộng mở phía trước là một điều rất khó chấp nhận, và mất đi thằng bé một cách đột ngột như vậy bởi những sai phạm không đáng có của con người là điều khó chấp nhận hơn cả

Nhưng đối với tôi và nói, nỗi mất mát này còn tồi tệ hơn nữa khi mà Ali không chỉ là con trai của tôi mà còn là người bạn thân thiết nhất của tôi nữa. Thằng bé được sinh ra khi tôi còn khá trẻ, và tôi có cảm giác rằng chúng tôi đã trưởng thành cùng nhau. Chúng tôi cùng chơi điện tử với nhau, cùng nhau nghe nhạc, cùng nhau đọc sách, và cùng nhau vui đùa. Ở cái tuổi mười tám Ali quả thực là khôn ngoan hơn nhiều so với những người đàn ông khác mà tôi từng quen biết. Thằng bé còn là người luôn giúp đỡ và là người bạn tâm tình của tôi nữa. Có những lúc tôi thường nghĩ rằng, “Khi mình trưởng thành, mình chỉ muốn được như Ali.”

Cho dù mọi bậc cha mẹ đều xem con mình là đặc biệt, tôi thật sự tin rằng Ali đúng là như vậy. Khi thằng bé bỏ chúng tôi mà đi, chúng tôi nhận được tin nhắn từ khắp mọi nơi trên thế giới, từ hàng trăm con người mà đã mô tả lại việc cậu chàng hai mươi mốt xuân xanh này đã thay đổi cuộc đời họ ra sao. Một số người vẫn còn tuổi teen, trong khi những người khác đã vào độ tuổi thất thập cổ lai hi. Làm sao mà Ali có thể dành ra thời gian và trí tuệ của mình để chạm tới cuộc đời của nhiều người như thế, tôi sẽ không bao giờ được biết. Nhưng thằng bé là hình mẫu lý tưởng cho sự thanh thản, hạnh phúc, và tử tế. Và thằng bé làm lan toả những nét tính cách này trên mọi con đường mà nó đi qua. Có một lần, tôi từng nhìn thấy từ xa Ali ngồi xuống bên một người ăn mày và nói chuyện thật lâu cùng bà ấy. Thằng bé đón nhận bà như một người bạn hữu, và rồi thằng bé dốc toàn bộ đồ đạc trong túi mình và đưa cho bà mọi thứ mà nó có trên người vào lúc ấy. Khi thằng bé rời đi thì bà ấy gọi nó lại, lục lọi trong cái bị của mình, và đưa cho nó thứ tài sản quý giá nhất của bà: một hộp kem dưỡng tay chưa mở. Món quà ấy trở thành thứ báu vật quý giá nhất của Ali. Và giờ đây, là của chúng tôi.

Nhưng giờ đây, bởi vì một lỗi lầm trong y tế, tôi đã mất đi thằng bé chỉ trong một cái nháy mắt. Bất cứ điều gì tôi đã học được về hạnh phúc đều được đem ra thử thách. Tôi từng nghĩ rằng nếu như tôi có thể tự cứu lấy bản thân và gia đình mình khỏi vực sâu nhất của sự tuyệt vọng, thì tôi có thể xem đó là thành công lớn lao.

Nhưng chúng tôi làm được hơn thế rất nhiều.

Khi Ali đột ngột rời khỏi thế giới này, mẹ thằng bé và tôi, cũng như là con gái chúng tôi, cảm thấy vô cùng đau đớn. Nỗi đau mất thằng bé vẫn còn dai dẳng tới tận bây giờ, dĩ nhiên là vậy, và chúng tôi vẫn thường rơi nước mắt vì thằng bé không còn hiện hữu nữa để ôm lấy chúng tôi, trò chuyện, và cùng chơi điện tử. Nỗi đau mà chúng tôi trải qua khiến chúng tôi trân trọng những kỷ niệm về thằng bé và dành cho nó những lời nguyện cầu tốt đẹp nhất. Dầu vậy, thật đáng ngạc nhiên làm sao, chúng tôi vẫn có thể duy trì tinh thần bình thản – và cả hạnh phúc nữa. Chúng tôi vẫn gặp những ngày buồn bã, nhưng chúng tôi không còn thấy dằn vặt nữa. Con tim của chúng tôi cảm thấy toại nguyện, mà thậm chí còn thấy vui nữa.

Tóm lại, mô hình hạnh phúc của chúng tôi đã được thử nghiệm bởi chính chúng tôi. Ngay cả trong những thời khắc mà chúng tôi đau đớn nhất trước sự ra đi của Ali, chúng tôi cũng không bao giờ tức giận hay phẫn nộ với cuộc sống. Chúng tôi không cảm thấy mình bị chơi khăm hay tuyệt vọng. Chúng tôi đã vượt qua điều khó khăn nhất có thể hình dung được theo cách thức giống như của Ali: trong thanh thản.

  • •  •

Trong tang lễ của Ali, hàng trăm người đã ghé qua nhà chúng tôi để bày tỏ lòng thương tiếc trong khi rất đông những người khác thì đợi chờ dưới cái nóng 43oC của mùa hè Dubai. Họ cứ đứng đó mà không rời đi. Đó là một buổi lễ khó quên, mọi thứ được xây dựng quanh niềm hạnh phúc mà Ali đã phân phát trong suốt cuộc đời mình. Mọi người tới với những giọt nước mắt nhưng rồi nhanh chóng bị tác động bởi thứ năng lượng tích cực của buổi lễ. Họ bật khóc trong vòng tay chúng tôi, nhưng khi mà chúng tôi nói chuyện, và khi mà họ hiểu ra quan điểm của chúng tôi về buổi lễ, mà được xây dựng từ mô hình hạnh phúc của chúng tôi, thì họ ngừng khóc. Họ thăm thú quanh nhà và chiêm ngưỡng hàng trăm tấm ảnh của Ali (mà luôn xuất hiện với một nụ cười thật tươi) trên mọi bức tường. Họ thưởng thức món ăn vặt ưa thích của thằng bé được bày trên bàn, hay cầm lấy một đồ vật của thằng bé như là một món quà lưu niệm, và ghi nhớ tất cả những hồi ức hạnh phúc mà thằng bé mang tới cho họ.

Lúc ấy tồn tại vô số tình yêu thương và sự lạc quan, vô số những cái ôm và những nụ cười, và rồi cho tới cuối ngày, nếu như bạn không được biết về buổi lễ ngay từ đầu, bạn có lẽ sẽ cho rằng đó chỉ là một buổi tụ tập bạn bè đầy vui vẻ nào đó – một lễ cưới chẳng hạn, hay là một buổi tiệc mừng tốt nghiệp. Ngay cả trong những hoàn cảnh đầy đau buồn như thế, thì thứ năng lượng tích cực của Ali vẫn ngập tràn trong ngôi nhà của chúng tôi.

Những ngày sau đó, tôi thấy mình bị ám ảnh với cái suy nghĩ Liệu Ali sẽ làm gì trong hoàn cảnh này? Tất cả chúng tôi, những người quen biết Ali, đều tìm tới thằng bé để xin lời khuyên, nhưng giờ đây nó đâu có còn bên chúng tôi nữa. Tôi vô cùng muốn hỏi thằng bé rằng, “Ali này, làm sao ba có thể xoay sở nổi với việc mất đi con?” dù tôi biết rõ câu trả lời của nó. Thằng bé sẽ bảo rằng, “Khalas ya papa”— Chuyện qua rồi, ba ạ — “Con đã chết rồi. Ba đâu có thể thay đổi điều đó, vậy thì ba hãy làm những gì tốt nhất có thể đi.” Vào những khi yên tĩnh, tôi không hề nghe được giọng nói của Ali trong đầu mình nhưng cái câu nói ấy cứ lặp lại không ngừng.

Và rồi, mười bảy ngày kể từ sau cái chết của thằng bé, tôi bắt đầu viết. Tôi quyết định sẽ nghe theo lời khuyên của Ali và làm một điều gì đó tích cực, để cố gắng chia sẻ mô hình hạnh phúc của chúng tôi với tất cả những ai đang phải chịu khổ sở trên trái đất này. Bốn tháng rưỡi sau đó tôi đã có thể ngẩng cao đầu. Tôi đã hoàn thành bản thảo đầu tiên.

Tôi không phải là một nhà hiền triết hay một thầy tu ẩn mình nơi tu viện. Tôi vẫn đi làm, chiến đấu trong các cuộc họp, phạm sai lầm – những sai lầm lớn gây tổn thương cho những người tôi yêu quý, và vì thế mà tôi thấy đau khổ. Thực ra, tôi không phải lúc nào cũng thấy hạnh phúc. Nhưng tôi tìm ra được một mô hình hiệu quả – một mô hình giúp chúng ta vượt qua nỗi đau buồn, cái mô hình mà cuộc đời của Ali đã giúp chứng minh thông qua ví dụ của thằng bé. Và đó là điều mà tôi muốn mang đến cho bạn qua cuốn sách này.

Tôi hi vọng rằng bằng việc chia sẻ thông điệp của Ali — cái phương thức mà thằng bé sống một đời thanh thản ấy – tôi có thể ngợi ca những ký ức về thằng bé và tiếp tục những gì mà thằng bé để lại. Tôi đã cố hình dung về tác động tích cực được lan toả từ cái thông điệp này, và tôi không biết liệu điều đó có liên quan gì tới việc tôi có một lý lịch tương đối đẹp hay không. Vì vậy tôi chấp nhận một sứ mệnh tham vọng rằng: giúp đỡ mười triệu người trở nên hạnh phúc hơn, một động lực (#10triệu hạnh phúc) mà tôi đề nghị bạn cũng bắt tay vào để cùng với nhau chúng ta có thể tạo nên một sự lan truyền quy mô nhỏ trên toàn thế giới về phong cách vui sống của Ali.

Cái chết của Ali là một cú sốc mà tôi không hề mong đợi, nhưng khi nhìn lại, tôi cảm thấy rằng có lẽ thằng bé đã có linh cảm nào đó. Hai ngày trước khi thằng bé đột ngột qua đời, thằng bé mời chúng tôi ngồi xuống như là một người ông thông thái sẽ làm với các cháu mình và bảo rằng ông có vài lời quan trọng muốn nói. Thằng bé nói rằng có vẻ hơi kỳ khi lại đi cho bố mẹ mình lời khuyên nhưng thằng bé cảm thấy cần phải làm như vậy. Thường thì Ali rất ít nói, nhưng lúc này thằng bé lại dành thời gian mà nói với Nibal, Aya, và tôi về việc thằng bé yêu chúng tôi nhất ở điểm nào. Thằng bé nói lời cảm ơn chúng tôi vì những điều đã mang tới cho cuộc đời thằng bé. Lời nói của thằng bé sưởi ấm trái tim chúng tôi, và rồi thằng bé hỏi mỗi người trong chúng tôi một vài câu hỏi

Yêu cầu của thằng bé dành cho tôi là “Ba này, ba đừng bao giờ dừng lại. Hãy cố gắng tạo nên sự khác biệt và tin vào con tim của ba nhiều hơn nữa. Trách nhiệm của ba chưa xong đâu.” Và rồi thằng bé ngừng một lúc, dựa lưng vào ghế – như thể muốn nói rằng Nhưng giờ thì việc của con ở đây đã xong rồi—và nói, “Vậy đấy. Con không còn gì cần bổ sung nữa cả.”

Cuốn sách này là nỗ lực của tôi trong việc hoàn thành nhiệm vụ mà thần tượng về hạnh phúc của tôi đã giao cho mình. Cho tới khi nào mà tôi còn sống, tôi sẽ biến niềm hạnh phúc của toàn thể thế giới này là sứ mệnh cá nhân của riêng tôi, và là dự án ánh trăng của tôi dành cho Ali.