Image

CẢM XÚC CỦA BÀ (1)

Ngày 12 tháng 9 năm 2003

Oskar thân yêu,

Bà đang viết cho cháu những dòng này từ sân bay.

Bà có rất nhiều điều muốn nói với cháu. Và bà muốn được bắt đầu từ đầu, bởi vì cháu xứng đáng với điều đó. Bà muốn kể cho cháu nghe tất cả mọi chuyện, mà không bỏ sót bất cứ một chi tiết nào. Nhưng điểm khởi đầu là đâu? Và có gì là tất cả mọi điều?

Giờ thì bà đã già, nhưng trước đây bà cũng từng là một cô bé con. Đó là sự thật. Bà là một cô bé cũng giống như cháu là một cậu bé vậy. Và khi ấy, một trong những nhiệm vụ hàng ngày của bà là nhận thư. Vào một ngày nọ, có một bức thư đề địa chỉ nhà bà. Trên bì thư không đề tên người nhận. Lá thư này có thể được gửi cho mình hoặc bất kỳ ai khác, khi ấy bà nghĩ. Và bà mở bức thư ra. Rất nhiều câu chữ đã bị xóa đi mất trong khâu kiểm duyệt.

Ngày 14 tháng 1 năm 1921

Gửi Người Nhận Bức Thư Này:

Tên của tôi là XXXXXXX XXXXXXXXX, và tôi là một XXXXXXXX ở Trại Lao động Khổ sai Thổ Nhĩ Kỳ XXXXX, Khu XX. Tôi biết tôi thật là XX X XXXXXXX may mắn vì vẫn còn sống sót đến lúc này.

Tôi được lựa chọn để viết thư cho bạn dù không biết bạn là ai. Bố mẹ tôi XXXXXXX XXX. Các anh trai và các chị gái của tôi XXXXX XXXX, hầu hết XXXXXX XX XXXXXXXX! Tôi đã viết XXX XX XXXXX XXXXXXX mỗi ngày kể từ khi tôi đặt chân vào đây. Tôi đổi bánh mì để lấy tem thư, nhưng vẫn chẳng bao giờ nhận được hồi âm cả. Đôi khi tôi thấy dễ chịu khi nghĩ rằng họ không bao giờ gửi đi những bức thư mà tôi đã viết.

XXX XX XXXXXX, hoặc ít nhất XXX XXXXXXXXX?

XX XXXXX X XX qua XXXXX XX.

XXX XXX XX XXXXX, và XXXXX XX XXXXX XX XXX, mà không một lần XXX XX XXXXXX, XXX XXXXXXXX XXX XXXXX ác mộng?

XXX XXX, XX XXXXX XX XXXXX XX! XXXXX XX XXX XX

XXX XX XXXXXX viết cho tôi vài từ và tôi sẽ biết ơn hơn là những gì mà bạn có thể tưởng tượng nổi. Rất nhiều XXXXXX XXXX nhận thư nên tôi biết rằng XX XX XXXXXXXX. Xin làm ơn gửi kèm theo một bức hình cùng với tên của bạn. Hãy gửi cho tôi tất cả mọi thứ.

Vô cùng hi vọng,

Thân ái,

XXXXXXXX XXXXXXXXX

Bà mang bức thư về phòng. Bà giấu nó dưới tấm đệm. Bà không bao giờ nói với cha hay mẹ về bức thư cả. Hàng tuần liền bà thao thức mỗi đêm và lo lắng. Tại sao người đàn ông ấy lại bị đưa tới trại lao động khổ sai Thổ Nhĩ Kỳ? Tại sao bức thư này lại được giao vào tay bà sau những mười lăm năm? Nó đã ở đâu trong suốt quãng thời gian qua? Tại sao lại chẳng có ai hồi âm cho ông ấy? Những người khác đều đã nhận được hồi âm, ông ấy đã viết như vậy trong thư. Tại sao ông ấy lại gửi một bức thư tới địa chỉ nhà bà? Tại sao ông ấy lại biết tên con phố mà bà đang sống? Tại sao ông ấy lại biết đến Dresden? Ông ấy đã học tiếng Đức ở đâu?  Ông ấy hiện giờ ra sao?

Bà cố gắng tìm hiểu tối đa về người đàn ông nọ qua bức thư. Các câu chữ vô cùng đơn giản. Bánh mì chỉ có nghĩa là bánh mì. Thư từ nghĩa là thư. Hi vọng lớn là hi vọng lớn là hi vọng lớn. Bà còn lại những chữ viết tay.

Rồi bà hỏi cha, nghĩa là cụ của cháu, mà bà luôn xem là con người tốt tốt bụng nhất, tử tế nhất mà bà được biết, viết cho bà một lá thư. Bà bảo với ông rằng việc ông viết gì không quan trọng. Chỉ cần viết mà thôi, bà nói. Viết bất cứ điều gì mà ông muốn.

Con gái yêu,

Con hỏi cha viết cho con một lá thư, nên cha viết cho con đây. Cha không biết vì sao cha lại viết lá thư này, hoặc lá thư này nhằm vào mục đích gì, nhưng cha viết nó ngay mà không hề do dự, bởi vì cha yêu con rất nhiều và tin tưởng rằng con có mục đích tốt đẹp nào đó khi yêu cầu cha viết một lá thư. Cha hi vọng rằng vào một ngày nào đó, con sẽ có được trải nghiệm của việc thực hiện điều mà bản thân con không hiểu rõ cho một ai đó mà con yêu thương.

Cha của con.

Bức thư ấy là thứ duy nhất của cha mà bà còn giữ được. Chẳng có tranh ảnh nào nữa cả.

Rồi sau đó bà đi đến nhà tù. Bác của bà làm quản giáo ở đó. Bà có thể có được mẫu chữ viết tay của một kẻ sát nhân. Bác của bà đề nghị ông ta viết một lá đơn xin được ân xá trước thời hạn. Đó là cái mưu mẹo kinh khủng mà bọn bà bày ra đối với con người này.

Kính gửi Ban Quản Giáo:

Tên của tôi là Kurt Schluter. Số hiệu tù 24922. Tôi bị đưa vào đây từ vài năm trước. Tôi không biết tôi đã ở đây được bao lâu rồi. Chúng tôi không được phát lịch ở trong này. Tôi đánh dấu các ngày và các tháng bằng những vạch phấn ở trên tường. Nhưng mỗi khi trời mưa, nước mưa tràn vào từ cửa sổ trong lúc tôi đang ngủ. Và khi tôi thức dậy, các vạch phấn đều đã bị trôi đi mất. Nên tôi không tài nào biết được tôi đã ở đây bao lâu rồi.

Tôi đã giết em trai mình. Tôi đánh vào đầu nó bằng một cái xẻng. Rồi sau đó tôi dùng đúng cái xẻng đó để chôn xác cậu ấy trong vườn nhà. Những hòn sỏi nhuốm màu đỏ. Cỏ dại mọc lên từ nơi giấu xác của cậu ấy. Đôi khi vào ban đêm tôi quỳ dưới đất và nhổ chúng đi, để không một ai phát hiện ra điều bất thường. Tôi đã làm một việc kinh khủng. Và tôi tin rằng có kiếp sau. Toi biết rằng ta không thể quay trở lại quá khứ. Nhưng tôi vẫn ước ngày tháng trong cuộc đời tôi có thể được xoá đi như là những vệt phấn đánh dấu ngày tháng trên bức tường kia.

Tôi đã cố gắng để trở thành một người tốt. Tôi đã giúp đỡ các bạn tù hoàn thành các phần việc của họ. Và giờ thì tôi đã học được tính nhẫn nại.

Có thể đối với các vị chuyện này chẳng đáng gì, nhưng em trai tôi đã dan díu với vợ của tôi. Tôi không giết vợ mình. Tôi những muốn quay lại với cô ấy, bởi vì tôi tha thứ cho cô ấy.

Nếu được khoan hồng tôi sẽ trở thành một người tốt, sống lặng lẽ, và tránh xa đường cũ.

Xin quý vị hãy cân nhắc lời khẩn cầu của tôi.

Kurt Schluter, Số hiệu tù 24922

Bác của bà kể với bà rằng người tù này đã ở trong tù hơn bốn mươi năm. Ông ấy bước vào tù từ khi còn rất trẻ. Khi viết bức thư này ông ấy đã trở thành một con người già nua và yếu ớt. Vợ ông ấy cũng đã tái hôn. Bà ấy đã có con và cả các cháu. Dù không bao giờ nói ra, nhưng bà biết bác của bà đã kết bạn với người tù kia. Bác ấy cũng từng mất một người vợ, và cũng tiếp xúc với môi trường tù trại. Bác không bao giờ nói, nhưng bà nhận thấy trong giọng nói của bác ấy ẩn chứa sự quan tâm nhất định dành cho người tù kia. Họ bảo vệ lẫn nhau. Và khi bà hỏi bác, vào rất nhiều năm sau này, về số phận của người tù ấy, bác nói với bà rằng ông ta vẫn còn ở đó. Ông ấy vẫn tiếp tục viết thư cho Ban Quản giáo. Ông ấy vẫn tiếp tục tự nguyền rủa mình và tha thứ cho người vợ, mà không hề biết rằng chẳng có ai là người nhận thư cả. Bác của bà mang đi mọi lá thư và hứa với người tù kia rằng rồi chúng sẽ được chuyển đi đúng nơi đúng chỗ. Nhưng thay vì thế bác ấy giữ lại bên mình toàn bộ những lá thư. Chúng lấp đầy mọi ngăn kéo của những chiếc tủ trong nhà bác. Bà còn nhớ khi ấy đã từng nghĩ rằng nội điều này thôi cũng đủ để khiến cho một ai đó tự kết liễu đời mình. Và bà đã đúng. Bác của bà, tức cụ của cháu, đã tự vẫn. Dĩ nhiên điều này đâu phải là lỗi của người tù kia.

Với ba mẫu thư đó bà có thể tiến hành so sánh. Bà ít nhất cũng có thể thấy rằng chữ viết tay của người tù ở trại lao động khổ sai giống với nét chữ của cha bà hơn so với người tù phạm tội giết người. Nhưng bà cũng biết rằng bà cần thêm nhiều lá thư khác nữa. Nhiều bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu.

Nên bà đến gặp thầy giáo dạy dương cầm của bà. Bà luôn muốn được hôn ông ấy, nhưng lại sợ bị ông ấy chê cười. Bà đã nhờ ông ấy viết cho bà một lá thư. Và rồi bà hỏi cả chị gái của mẹ bà. Bà ấy rất thích các điệu nhảy nhưng lại chán ghét việc nhảy múa.

Bà bảo người bạn cùng lớp Mary viết cho bà một lá thư. Cô ấy là người vui tính và tràn đầy sức sống. Cô ấy thích chạy quanh ngôi nhà của mình mà không mặc quần áo những lúc vắng người, ngay cả khi cô ấy đã quá tuổi cho điều đó. Không điều gì có thể khiến cô ấy phải cảm thấy ngượng ngùng. Bà rất ngưỡng mộ cô ấy về điểm này, bởi vì điều gì cũng khiến cho bà cảm thấy xấu hổ, và điều ấy nữa khiến bà cảm thấy bị tổn thương. Cô ấy vẫn thường thích nhảy nhót trên giường. Cô ấy đã nhảy trên giường rất nhiều năm cho tới chiều hôm ấy, khi bà nhìn cô ấy nhảy múa, đường may của chiếc đệm bục ra. Lông vũ bay tán loạn và tràn ngập cả căn phòng. Tiếng cười của bọn bà làm đám lông vũ cứ lơ lửng mãi trong không trung. Và bà nghĩ đến những chú chim. Liệu chúng có thể bay lên thật cao nếu như không có một ai, ở một nơi nào đó, đang bật cười giòn giã?

Bà đến gặp bà của mình, là kị của cháu, và đề nghị kị viết một bức thư. Kị là mẹ của mẹ bà. Là mẹ của mẹ của mẹ của bố cháu. Bà hầu như không biết gì về kị cả. Mà bà cũng chẳng có hứng thú để tìm hiểu. Bà không có nhu cầu đối với quá khứ, bà nghĩ vậy, hồi còn là một đứa trẻ. Bà không cân nhắc tới khía cạnh quá khứ có thể cần tới bà.

Thư kiểu gì? kị hỏi bà.

Bà bảo với kị rằng kị có thể viết bất cứ điều gì mà kị muốn.

Con muốn một lá thư từ bà à? kị hỏi.

Bà trả lời rằng đúng.

Ôi, Chúa phù hộ con, kị nói.

Bức thư của kị đưa cho bà dài tới sáu mươi bảy trang giấy. Đó là câu chuyện của cuộc đời kị. Kị đã làm theo yêu cầu của bà. Lắng nghe bà.

Bà đã học được nhiều điều từ bức thư ấy. Kị từng đi hát khi trẻ. Kị từng đặt chân đến đất Mỹ từ khi còn là một cô bé. Bà chưa từng bao giờ biết đến chuyện này. Kị đã yêu rất nhiều lần đến nỗi kị bắt đầu nghi ngờ rằng liệu kị có từng thực sự yêu, hay đó chỉ là một điều gì tầm thường hơn thế rất nhiều. Bà biết được kị chưa bao giờ học bơi, và vì thế mà kị luôn thấy yêu những dòng sông và những mặt hồ. Kị hỏi xin bố mình, tức là cụ của bà, và là ông cố của cháu, mua cho cụ một chú bồ câu. Thay vì vậy, ông cố mua cho kị một tấm khăn choàng bằng lụa. Thành ra kị nghĩ rằng chiếc khăn choàng ấy cũng giống như một chú chim câu. Kị còn tự huyễn hoặc mình rằng nó cũng có thể bay, bởi vì nó không muốn cho người khác thấy được sự thực về mình. Vì thế mà kị rất yêu bố.

Bức thư đã bị thất lạc đâu mất, nhưng đoạn văn cuối cùng vẫn còn mãi trong tim bà.

Kị viết, Ta ước gì ta lại trở thành một cô bé con, với cơ hội được sống lại cuộc đời mình. Ta đã phải chịu đựng nhiều hơn những gì cần thiết. Và niềm vui mà ta cảm nhận thì không phải lúc nào cũng là niềm vui. Ta đã có thể sống khác đi. Khi ta ở vào tuổi của con, ông của ta mua cho ta một chiếc vòng tay đính đá hồng ngọc. Cái vòng quá lớn đối với cổ tay ta và cứ di chuyển lên xuống dọc cánh tay. Nó to như một cái vòng cổ. Rồi sau đó ông bảo với ta rằng ông đề nghị người bán hàng làm một chiếc vòng như thế. Kích cỡ của chiếc vòng phải biểu trưng cho tình yêu mà ông dành cho ta. Càng nhiều hồng ngọc, càng nhiều tình yêu. Nhưng ta không thể thoải mái khi đeo chiếc vòng ấy. Ta không thể đeo nó. Và đây là mấu chốt của mọi điều mà ta muốn nói. Nếu như ta tặng cho con một chiếc vòng, ngay bây giờ, thì ta sẽ tặng một chiếc vòng rộng gấp đôi cổ tay con.

Yêu con,

Bà của con.

Bà có thư từ tất cả mọi người mà bà quen biết. Bà trải chúng ra trên nền nhà phòng ngủ, và sắp xếp chúng theo những gì mà chúng chia sẻ. Một trăm lá thư tất cả.

Bà luôn thay đổi trật tự, cố gắng tạo ra sự liên kết. Bà muốn hiểu cho thật rõ.